Nông nghiệp sạch

Phát triển hệ thống canh tác lúa - tôm tại Kiên Giang

Thứ ba, 2/4/2024 | 16:02 GMT+7
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã vừa khảo sát các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được chọn tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đánh giá, hệ thống canh tác lúa - tôm là tuần hoàn và thuận tự nhiên nên kết hợp với quy trình sản xuất hữu cơ. Mô hình tôm - lúa đang là hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững. Lúa cấy xong thì rơm rạ phân hủy cung cấp thức ăn cho con tôm. Sau vụ nuôi tôm, chất thải từ tôm sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi cây lúa. Đó là vòng tuần hoàn khép kín giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường cho người nông dân.

Mô hình canh tác lúa - tôm tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Trần Công Danh cho biết, tỉnh tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn, với diện tích 200.000ha. Quá trình thực hiện sẽ được phân theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam với diện tích 24.738ha và mở rộng diện tích ngoài vùng dự án hướng đến năm 2025 đạt 100.000ha. Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030) xác định các khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới thêm 100.000ha để đạt tổng diện tích 200.000ha.  

Các hoạt động chính để thực Đề án là lựa chọn, xây dựng vùng, diện tích tham gia, rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh, huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các quỹ tài chính carbon, quỹ hỗ trợ trên thế giới…

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Minh (Kiên Giang) Lê Văn Khanh, huyện có vùng quy hoạch sản xuất lúa - tôm với diện tích 38.900ha, đã thành lập được 21 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo mô hình luân canh lúa - tôm. Khung lịch thời vụ hàng năm từ tháng 1 - 9 nuôi tôm nước lợ, cua biển; từ tháng 10 - 12 trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh.

Huyện An Minh đề xuất tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên vùng lúa – tôm với diện tích 20.000ha. Theo đó, huyện cần được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nhà kho, trong đó cần đầu tư 5 trạm kiểm soát sâu, rầy thông minh để theo dõi đồng ruộng, quản lý sinh vật gây hại. Bên cạnh đó, hỗ trợ các mô hình tái sử dụng rơm rạ phát triển sinh kế và ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh trong xử lý rơm rạ, tạo môi trường tự nhiên thuận lợi thúc đẩy phát triển thức ăn tự nhiên trong mô hình lúa – tôm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Bộ lựa chọn mô hình lúa - tôm ở Kiên Giang tham gia Đề án vì đây là mô hình sản xuất thuận thiên, rất khả quan. Với mô hình, người nông dân sản xuất sẽ chủ động áp dụng sản xuất theo quy trình hữu cơ, có doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp vật tư, bao tiêu sản phẩm với giá cao. Thành công của mô hình không chỉ giúp gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sản xuất xanh trên nền đất nuôi tôm.

Kim Bảo (T/H)