Nông nghiệp sạch

Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng

Thứ năm, 8/6/2023 | 17:21 GMT+7
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng.

Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo là đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành: Nghệ An, Sơn La và Hà Nội; đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành thành phố; đại diện các chủ thể OCOP của Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Lâm Đồng, Nghệ An và các siêu thị, đơn vị phân phối trên địa bàn.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau 3 năm triển khai thực hiện (2020 - 2022), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Đà Nẵng đã mang lại kết quả tích cực, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn.

Đến nay, toàn thành phố có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP ở tất cả các quận, huyện. Trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 42 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá cấp Trung ương. Có 53 chủ thể tham gia, với 56,6% chủ thể là cơ sở sản xuất kinh doanh, 15,1% là hợp tác xã và doanh nghiệp là 28,3%.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng

Các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc; nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến như: ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP.

Chương trình đã góp phần khơi dậy sự sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công; sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Để phát triển hơn nữa Chương trình OCOP tại địa phương, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đề xuất, các chủ thể OCOP cần thực hiện song hành ba yếu tố về xây dựng sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn hóa sản phẩm thương mại điện tử và chủ động liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa các chủ thể. Từ đó, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh xây dựng và mở rộng vùng trồng nguyên liệu tại chỗ, phát huy tối đa nội lực, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh, để sản phẩm OCOP Đà Nẵng phát triển vươn xa hơn, các chủ thể phải thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đồng thời, áp dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng năng suất nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống của từng sản phẩm.

Mặt khác, cần chú trọng quảng bá và hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh, thành phố, các chủ thể OCOP đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn và khai thác các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa.

Bảo Ngọc (T/H)