Sức khỏe

Tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm

Thứ sáu, 23/8/2024 | 14:58 GMT+7
Ngày 23/8, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo này.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ đầu năm đến nay toàn ngành y tế đã tiến hành kiểm tra trên 232.700 cơ sở, phát hiện trên 15.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 3.341 cơ sở, phạt tiền 2.285 cơ sở với số tiền phạt 19,86 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt và đồng bộ, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các sự kiện, hội nghị lớn của quốc gia, không để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm đối với các sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế tại Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm làm 12 trường hợp tử vong, tăng cả về số vụ và số ca mắc so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm vẫn tồn tại. (Ảnh minh họa)

Theo bà Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), vi phạm an toàn thực phẩm tập trung vào các loại hàng giả, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm cho trẻ nhỏ, dinh dưỡng không đảm bảo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Đáng chú ý, nhiều hành vi lợi dụng không gian mạng, thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng. Hình thức kinh doanh online gây ra nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng, số lượng, nguồn gốc hàng hóa. Do đó, Bộ Công an tiếp tục đề xuất sửa đổi một số quy định về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; đấu tranh, xử lý triệt để những hành vi vi phạm, tập trung vào các hành vi phức tạp, hàng giả, hàng nhái, nhất là về thực phẩm dành cho trẻ nhỏ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm nhấn mạnh, thời gian qua, các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả tích cực trong công tác an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ đã và đang được giao bao gồm cả những biện pháp theo Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần vận hành đúng công suất, hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; tiếp tục đầu tư để nâng cao cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế. Các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp chú trọng truyền thông hướng dẫn người dân tiêu dùng thông minh, an toàn. Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, tổ chức truyền thông cảnh tỉnh.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vận hành mô hình Sở An toàn thực phẩm, thường xuyên đánh giá quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực.

Khánh An (T/H)