Dưa cải bắp
Bắp cải muối trong giai đoạn lên men sẽ tạo ra các chế phẩm sinh học có lợi, gọi là lên men lacto. Vi khuẩn có lợi lactobacillus là một trong những loại vi khuẩn tương tự được tìm thấy trong sữa chua và nhiều thực phẩm lên men khác như kim chi, tương miso, kefir…
Khi ngâm trong nước muối, vi khuẩn bắt đầu chuyển hóa đường trong bắp cải thành acid lactic, đây là chất bảo quản tự nhiên có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.
Một số đánh giá khoa học cho thấy, các loại rau để muối dưa chua lên men như bắp cải có liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm chất béo trung tính và tăng cholesterol HDL tốt. Ngoài ra, vi khuẩn sống của rau củ quả lên men có thể mang lại lợi ích về sức khỏe đường ruột, kích thích quá trình trao đổi chất.
Tuy nhiên, dưa bắp cải cần sử dụng một lượng muối để chế biến do đó, những người có bệnh lý như tăng huyết áp, tim mạch, thận, dạ dày… không nên ăn. Việc sử dụng thực phẩm lên men cho người bị bệnh nặng hoặc bị suy giảm miễn dịch phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Sữa chua
Sữa chua được sản xuất qua quá trình lên men sữa nước bằng các chủng vi khuẩn sinh axit lactic, chuyển sữa từ dạng lỏng sang dạng sệt với các thành phần đạm, béo không no, vitamin và khoáng chất dễ hấp thu, có lợi cho sức khỏe.
Sữa chua rất tốt cho hệ tiêu hóa. Sản phẩm giúp điều hòa nhu động ruột, cải thiện tình trạng tiêu chảy, táo bón; cân bằng hệ vi khuẩn ruột; cải thiện hệ thống miễn dịch. Sữa chua còn giúp cải thiện nhu động ruột và chức năng tiêu hóa cho cả người bị tiêu chảy và người bị táo bón. Các thành phần vitamin, khoáng chất và vi khuẩn trong sữa chua giúp cân bằng hệ vi khuẩn, đảm bảo sức khỏe và nhu động của hệ tiêu hóa.
Đậu và các loại đậu
Nhiều người thường hạn chế tiêu thụ đậu vì sợ bị đầy hơi. Thế nhưng, đầy hơi do đậu thực sự là một dấu hiệu tốt bởi đây là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn đường ruột của bạn đang hoạt động mạnh. Chất xơ trong đậu và các loại đậu như đậu đen, đậu gà, đậu lăng, đậu trắng khi đến ruột già (đại tràng) vẫn sẽ còn nguyên vẹn. Tại đây, vi khuẩn đường ruột ăn chúng, gọi là quá trình lên men.
Hành tây
Hành tây chứa nhiều inulin, fructan và fructooligosaccharide (FOS). FOS không chỉ là prebiotic giúp xây dựng hệ vi khuẩn đường ruột mà còn giúp cải thiện nhiều tình trạng: tiêu chảy, loãng xương, xơ vữa động mạch, rối loạn tiêu hóa, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường loại 2.
Quả mâm xôi
Theo nghiên cứu, 1 cốc quả mâm xôi chứa tới 8g chất xơ. Đây là nguồn polyphenol dồi dào, chất chống oxy hóa mạnh mà vi khuẩn đường ruột thích ăn. Do đó, polyphenol khi vào trong cơ thể sẽ hoạt động như prebiotic bằng cách tăng cường sự phát triển của vi khuẩn có lợi, ức chế sự phát triển của mầm bệnh. Từ đó bảo đảm cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe đường ruột.
Tương miso
Tương miso là một loại bột nhão lên men làm từ đậu nành, lúa mạch hoặc gạo. Tương tự như các loại thực phẩm lên men khác, những vi khuẩn có lợi sẽ được sản sinh trong quá trình lên men tương miso.
Bên cạnh đó, miso làm từ đậu nành còn cung cấp một số protein và hàm lượng natri cao. Chỉ cần một lượng nhỏ tương miso cũng đủ để cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu và đảm bảo cho đường ruột khỏe mạnh.