Sức khỏe

Tế bào gây viêm vẫn tồn tại trong cơ thể người mắc Covid-19 thể nhẹ sau khỏi bệnh

Thứ tư, 16/3/2022 | 09:19 GMT+7
Theo một công bố mới đây trên tạp chí Mucosal Immunolog, sau khi khỏi Covid-19, một loại tế bào miễn dịch gọi là macrophages vẫn có phản ứng viêm và hoạt động trao đổi chất vài tháng trong cơ thể người bệnh thể nhẹ.

Cụ thể, theo nghiên cứu mới của Viện Karolinska tại Thụy Điển, Trung tâm Helmholtz Munich (HMGU) và Đại học Công nghệ Munich (TUM) tại Đức, một loại tế bào miễn dịch gọi là macrophages vẫn có phản ứng viêm và có hoạt động trao đổi chất vài tháng sau khi mắc Covid-19 thể nhẹ.

Chuyên gia Craig Wheelock, khoa Y hóa sinh và lý sinh của Viện Karolinska, một trong các tác giả nghiên cứu cho biết, các macrophage từ người mắc Covid-19 nhẹ tạo ra một phản ứng viêm và trao đổi chất trong 3 - 5 tháng sau khi mắc bệnh. Dù đa số những người này không có các triệu chứng kéo dài nhưng hệ miễn dịch của họ đã trở nên nhạy cảm hơn người khỏe mạnh.

Tế bào gây viêm vẫn tồn tại trong cơ thể người mắc Covid-19 thể nhẹ sau khỏi bệnh

Các triệu chứng kéo dài tương đối phổ biến sau khi mắc Covid-19 nặng nhưng cũng ảnh hưởng đến một số người có triệu chứng nhẹ. Để kiểm tra điều này, các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu máu của 68 người từng mắc Covid-19 nhẹ và một nhóm 36 người không mắc Covid-19.

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia tách macrophages trong phòng thí nghiệm và kích thích chúng bằng protein gai, steroid và lipopolysaccharide (LPS). Các tế bào này sau đó được giải trình RNA để đánh giá các gene hoạt tính.

Kết quả cho thấy, có sự hiện diện của các mô tín hiệu eicosanoid - biểu hiện căn bản của hiện tượng viêm nhiễm.

Ông Craig Wheelock đánh giá, không ngạc nhiên khi phát hiện một lượng lớn eicosanoid ở những người mắc Covid-19 vì bệnh này gây viêm nhưng thật ngạc nhiên vì các mô này vẫn được tạo ra với lượng lớn sau nhiều tháng khỏi bệnh.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, leukotriene, một loại mô tăng viêm, nguyên nhân của hen suyễn cũng xuất hiện với mật độ lớn.

Đồng tác giả nghiên cứu, bà Julia Esser-von Bieren, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Helmholtz Munich và Đại học Công nghệ Munich nhấn mạnh: “Rất bất thường khi mức độ tập trung các leukotriene vẫn cao trong macrophage của những người mắc Covid-19 thể nhẹ”.

Bà Julia Esser-von Bieren giải thích, leukotriene là trung gian quan trọng gây hen suyễn nhưng loại mô này cũng liên quan khả năng bảo vệ chống virus cúm. Việc tăng liên tục các leukotriene sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể khiến bệnh nhân nhạy cảm hơn với viêm nhiễm ở hệ hô hấp, song cũng có thể cải thiện miễn dịch chống virus SARS-CoV-2 và các virus khác.

Tuy nhiên, hiện tượng này không diễn ra mãi. Cụ thể, các nhà khoa học đã thu thập mẫu máu của các tình nguyện viên theo hai đợt, là sau 3 - 5 tháng sau nhiễm và sau 12 tháng sau nhiễm. Ở đợt 1, khoảng 16% người thông báo có các triệu chứng nhẹ kéo dài trong khi phần còn lại không có triệu chứng. Ở đợt 2, không ai có triệu chứng và không có sự khác biệt về khả năng gây viêm ở những người từng nhiễm và người khỏe mạnh.

Linh Giang (T/H)