Thanh niên chung tay hành động để giảm thiểu rác thải nhựa

Thứ tư, 28/2/2024 | 15:54 GMT+7
Ngày 28/2, Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”.

Tại diễn đàn, ông Cao Hoàng Anh, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Sản lượng nhựa hàng năm hiện ở mức 460 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua và có thể tăng gấp 3 vào năm 2060 nếu không có biện pháp nào được thực hiện.

Đáng chú ý, trong số rác thải nhựa trên, có tới 0,28 - 0,73 triệu tấn rác bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Trên đất liền, việc xử lý, tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế (90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế).

Thực tế trên đã và đang khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại diễn đàn

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, do đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon nên đã gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường, đặc biệt là với sức khỏe con người. Vì vậy, để giải quyết rác thải nhựa cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên.

Ông Đặng Quốc Khánh kêu gọi các bên chung tay hành động để giảm thiểu rác thải nhựa; xây dựng giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại nên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, khuyến khích phát triển sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.

Trong khi đó, ông Cao Hoàng Anh cho rằng, thời gian tới cần tăng cường việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác khích lệ các đoàn viên phát huy tinh thần sáng tạo liên quan đến bảo vệ môi trường. Theo đó, các hoạt động nghiên cứu mô hình công sở xanh, sản phẩm thay thế nhựa, sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa cần được đề xuất và triển khai để hạn chế sử dụng rác thải nhựa, giảm thiểu việc thải nhựa vào môi trường.

Tại sự kiện, hơn 200 sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã trao đổi những vấn đề liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; vai trò của đoàn viên thanh niên trong công tác tuyên truyền cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa.

Kim Bảo (T/H)