Sức khỏe

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19

Thứ ba, 26/7/2022 | 10:47 GMT+7
Ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 664/CĐ-TTg gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về tăng cường công tác tiêm vaccine phòng Covid-19.

Công điện nêu rõ, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo sát sao công tác tiêm vaccine phòng Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực với hơn 240 triệu liều vaccine đã được tiêm, với tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên rất cao. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nhất là giảm thiểu tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trên thế giới, dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia. Việt Nam tiếp tục ghi nhận các biến thể mới BA.4, BA.5 và có nguy cơ gia tăng bùng phát trở lại. Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị hiện đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là; một số địa phương, ban chỉ đạo chống dịch Covid-19, chính quyền các cấp chưa vào cuộc quyết liệt, dẫn đến chưa đạt tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, để bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch thời gian qua, tạo điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu:

Bộ Y tế tiếp tục bảo đảm cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vaccine phòng Covid-19 theo nhu cầu của địa phương, không để tình trạng thiếu vaccine. Đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các địa phương.

Tăng cường việc vận động, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các địa phương

Xây dựng chiến lược truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trọng điểm, có bằng chứng khoa học, tập trung vào tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các đối tượng có nguy cơ cao. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, khoa học, bằng nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp thu về lợi ích, hiệu quả của vaccine, nhất là trong việc ngăn ngừa chuyển nặng, tử vong khi mắc Covid-19 để người dân nâng cao nhận thức và chủ động tích cực tiêm vaccine phòng Covid-19.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh lợi ích của vaccine phòng Covid-19 nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác tiêm chủng cho trẻ em, nhất là nhóm trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới.

Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và theo dõi hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 để có thông tin khoa học, chính xác cung cấp cho người dân; đẩy mạnh việc cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.

Đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công điện yêu cầu cần trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau đây:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.

Phát động chiến dịch tiêm chủng: tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vaccine cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã.

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine. Cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm Covid-19; tập trung truyền thông về tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em), những người muốn lựa chọn vaccine, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp; xây dựng nội dung truyền thông trước, trong và sau chiến dịch tiêm chủng; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến từng địa bàn dân cư. Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin đến người dân để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn.

Đặc biệt, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải cần thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành đảm bảo hoàn thành tiêm hết các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Minh Khang