Thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch về môi trường

Thứ sáu, 12/3/2021 | 14:37 GMT+7
3 nhiệm vụ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giao Tổng cục Môi trường thực hiện là quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các đơn vị để điều tra thu thập thập thông tin dữ liệu chuyên sâu phục vụ lập quy hoạch; điều tra, đánh giá, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; xây dựng các bản đồ quy hoạch; xác định các danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư và thứ tự ưu tiên thực hiện; xác định giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch theo yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch…

Nỗ lực thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiến nghị, việc lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là hoạt động lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong bối cảnh có nhiều quy hoạch hiện hữu, quy hoạch đang được các Bộ, ngành và các đơn vị trong Bộ đồng thời triển khai thực hiện do đó, đề nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai những nhiệm vụ lập quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, tránh sự chồng chéo.

Mặt khác, do các nhiệm vụ lập quy hoạch nêu trên đều là các nhiệm vụ khó, mới đối với lĩnh vực môi trường nên việc xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt thuyết minh và dự toán chi tiết mất nhiều thời gian, cùng với phải đáp ứng yêu cầu tiến độ để thực hiện các quy định pháp lý về đấu thầu. Do đó, để đảm bảo chất lượng các quy hoạch, Tổng cục cần thêm thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Đối với nhiệm vụ lần này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng do đó, đề nghị Tổng cục Môi trường và các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường hơn nữa để phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng các quy hoạch.

Trong đó cần đặc biệt lưu ý, các quy hoạch xây dựng cần phải dựa trên quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển kinh tế - xã hội và tác động đến môi trường trong kỳ quy hoạch; các yếu tố nhạy cảm về môi trường; hệ thống các quan điểm mục tiêu về phát triển gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ môi trường trong kỳ quy hoạch.

Đồng thời, Tổng cục cũng cần phải định hướng xác lập các vùng môi trường; thiết lập khu vực bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trong kỳ quy hoạch.

Khi đưa ra quy hoạch cần có lộ trình để thực hiện hoá và giải quyết được các xung đột, bất cập như hiện nay. Cần có tính toán dài hạn, thường xuyên trao đổi thống nhất, đồng thuận với các Bộ, ngành liên quan để tránh mâu thuẫn với phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân.

Khả Di (t/h)