Thực hiện mục tiêu phát triển xanh và hiện thực hóa cam kết giảm phát thải

Thứ hai, 18/7/2022 | 15:30 GMT+7
Mới đây, tại diễn đàn Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ VI năm 2022 với chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại COP26”, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về việc thực hiện mục tiêu phát triển xanh và hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải vào năm 2050.

Tại diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế. Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam. Các Bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.

Theo ông Tăng Thế Cường, Việt Nam hiện đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết trên và đã nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

Nhiều đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực TN&MT tham gia diễn đàn Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ VI

Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hoài đánh giá, nhận thức, hành vi, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân về biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực. Tính chủ động, năng lực ứng phó, thích ứng của chính quyền, doanh nghiệp, người dân được nâng lên.

Theo đó, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, truyền thông cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước với mọi người dân. Chú trọng động viên, cổ vũ mỗi người dân và cộng đồng tích cực thực hiện, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực này. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần những thông điệp mạnh mẽ hơn nữa, tập trung chuyển tải toàn diện, tích cực hơn nữa về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao các bài báo cáo giới thiệu, chia sẻ nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về TN&MT; đồng thời cung cấp đến các nhà báo, phóng viên những thông tin cần thiết thuộc lĩnh vực này, cũng như chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh xanh, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ xây dựng đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo; hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…

Cùng với đó, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại COP26.

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh: “Tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý, chúng tôi sẽ xem xét tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về TN&MT, với mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”.

Thanh Tâm