Tổng kết kế hoạch loại trừ các chất HCFC, bảo vệ tầng ozone ở Việt Nam

Thứ năm, 15/9/2022 | 17:13 GMT+7
Ngày 15/9, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo Kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Để bảo vệ tầng ozone, năm 1985 các quốc gia trên thế giới đã cùng ký kết Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho nỗ lực bảo vệ tầng ozone trên phạm vi toàn cầu. Năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời trong khuôn khổ Công ước Vienna. Sau 35 năm thực hiện Nghị định thư Montreal, sự suy giảm tầng ozone đã được ngăn chặn và đang dần phục hồi, tiếp tục bảo vệ nhân loại khỏi bức xạ cực tím của mặt trời.

Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính.

Hội thảo Kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone

Qua đây, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu kêu gọi sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, tổ chức, các ngành công nghiệp, doanh nghiệp, người dân trong hoạt động chung tay bảo vệ tầng ozone để bảo vệ các kết quả đã đạt được trong hàn gắn tầng ozone và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về Kế hoạch tăng cường sự phối hợp liên ngành và hợp tác trong nước, nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình cam kết của Chính phủ, ông Tăng Thế Cường cho biết, Cục Biến đổi khí hậu đã có kế hoạch thúc đẩy việc triển khai các bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết với các bên nhằm phổ biến những quy định pháp luật, hướng dẫn các bên trong tổ chức thực thi.

Về kết quả thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II, ông Hoàng Minh Quân, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, trong thời gian qua, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với WB, các đơn vị liên quan, chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ khi thực hiện những hoạt động đào tạo, tập huấn.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã tổng hợp, đánh giá một số kết quả bước đầu thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II trong các lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh và xốp; phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone; tọa đàm trao đổi về công tác quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal tại Việt Nam giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác quốc tế, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội và doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi công nghệ…

Kim Bảo