Công trình xanh

Trồng cây trên mái, giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Thứ bảy, 31/10/2020 | 11:45 GMT+7
Trong điều kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm do biến đổi khí hậu, điều kiện diện tích đất dùng cho cây xanh tại các đô thị bị hạn chế, việc áp dụng các giải pháp xanh trên mái là một xu thế tất yếu trong tương lai.

Ảnh minh họa

Thực tế, việc trồng cây trên các mái nhà đã có từ rất lâu tại Bắc và Tây Âu. Theo dòng lịch sử, 500 năm trước công nguyên, vườn treo Babylon, một trong những kỳ quan của thế giới có thể được xem là công trình quan trọng đánh dấu sự ra đời của kỹ thuật trồng cây trong không gian.

Đến cuối thế kỷ XX, thiết kế chi tiết và hiện đại kỹ thuật trồng cây trên mái nhà mới được công bố chính thức tại Đức vào thập niên 60. Quốc gia này hiện nay cũng đang dẫn đầu các nước trên thế giới trong việc phát triển mô hình này với khoảng trên 10% mái nhà đã được phủ xanh.

Ở Việt Nam hiện nay, cũng đã xuất hiện một số công ty kinh doanh loại hình này, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ và chưa có nghiên cứu cụ thể nào được công bố. Do vậy, trong tương lai gần, chắc chắn sẽ cần nhiều hơn những thử nghiệm và nghiên cứu nghiêm túc về khả năng phát triển kỹ thuật trồng cây trên mái nhà trong điều kiện Việt Nam.

Các ưu điểm và ứng dụng khi trồng cây trên mái: tiết kiệm chi phí trong thi công xây dựng; chống thấm và trồng cây trên mái giúp bảo tồn, tiết kiệm điện năng; thanh lọc không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chống nóng cho công trình; tạo màu xanh, tăng tính thẩm mỹ.

Cụ thể, với những đô thị thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập úng sau những trận mưa lớn, mái nhà xanh có thể là một giải pháp thú vị. Thảm thực vật nếu được bố trí khoa học có thể giữ lại đến 75% lượng nước mưa rơi xuống mái nhà, sau đó dần dần trả lại khí quyển thông qua quá trình ngưng tụ và bay hơi tự nhiên.

Đồng thời, các chất gây ô nhiễm trong nước mưa sẽ được giữ lại ở lớp đất, điều này đặc biệt có ý nghĩa, góp phần giảm áp lực đối với các đô thị có hệ thống thoát nước chung như nước ta hiện nay.

Mô hình này còn là giải pháp giúp hấp thụ các chất bụi, làm trong lành môi trường không khí và quan trọng là khả năng hấp thụ khí CO2, một trong những khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo nghiên cứu các nhà khoa học trường Đại học Michigan, nếu thay thế các chất liệu mái nhà truyền thống bằng việc trồng cây xanh trên mái nhà ở một vùng đô thị có diện tích bằng thành phố Detroit (Mỹ) với dân số khoảng 1 triệu người thì kết quả đạt được sẽ tương đương với việc cắt giảm lượng cácbon đioxit do 10.000 chiếc xe tải hạng trung thải ra mỗi năm. Hàng loạt công bố của các nhà nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh các mái nhà xanh chính là những bể hấp thụ khí CO2 cỡ nhỏ giúp con người "chống chọi" với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, với các cư dân thành thị, những khu vườn trên mái nhà là cơ hội để họ tự tay trồng và thưởng thức rau quả hữu cơ, tăng cường phát triển hệ sinh thái và nông nghiệp đô thị, đảm bảo an ninh lương thực và sống gần gũi hơn với thiên nhiên. Các nghiên cứu cho thấy, hệ sinh thái ở những khu vườn trên nóc các tòa nhà cao đến 19 tầng vẫn có rất nhiều loài chim và côn trùng có ích...

PV