Bản tin môi trường số 17/2021

Thứ hai, 18/10/2021 | 15:43 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Taki vừa thay mặt Chính phủ hai bên ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giữa hai Chính phủ giai đoạn 2021 - 2030.

Việt Nam – Nhật Bản ký kết hợp tác về tăng trưởng carbon thấp

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio thực hiện ký kết và trao đổi Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giữa hai Chính phủ giai đoạn 2021 - 2030 trước sự chứng kiến trực tuyến của Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yamaguchi Tsuyoshi Michael và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam tại điểm cầu Tokyo.

Bản ghi nhớ nhằm triển khai thực hiện cơ chế tín chỉ chung JCM, thúc đẩy đầu tư, phát triển các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp tại Việt Nam, trên cơ sở hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Chính phủ Nhật Bản.

Quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong doanh nghiệp ở Việt Nam

Các doanh nghiệp tham gia dự án theo cơ chế JCM hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ một phần kinh phí thực hiện. Tín chỉ carbon thu được từ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các dự án được chia sẻ giữa Việt Nam và Nhật Bản theo thỏa thuận thống nhất giữa các doanh nghiệp tham gia và được Ủy ban hỗn hợp 2 nước quyết định, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng và có trách nhiệm chung.

Việc tận dụng hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ chế JCM sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam theo sát định hướng xanh, thân thiện với môi trường đã nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; góp phần triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường sắp có hiệu lực vào đầu năm 2022, đặc biệt trong thực hiện các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, tạo tiền đề cho phát triển thị trường carbon trong nước trong tương lai gần.

Việt Nam được đánh giá cao trong công tác phòng, chống thiên tai

Mới đây, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Việt Nam tổ chức lễ hưởng ứng Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN quản lý thiên tai. Sự kiện có sự tham dự của các tổ chức quốc tế đã đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong những hoạt động về môi trường, khí hậu.

Ngày quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN quản lý thiên tai năm nay tập trung vào mục tiêu của Khung hành động toàn cầu Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai, thông qua hỗ trợ phù hợp, bền vững, thực hiện các hành động cấp quốc gia nhằm hoàn thành các mục tiêu của Khung Sendai vào năm 2030.

Tại buổi lễ, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đặt vấn đề về tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác này.

Việt Nam nỗ lực ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Trong đó, đại diện Chương trình Việt Nam của tổ chức Catholic Relief Services cho biết, qua theo dõi, chúng tôi thấy từ khi có cơ quan chuyên trách cấp Trung ương, nhiều hoạt động về quản lý thiên tai ở Việt Nam được nâng tầm, hiệu quả hơn và thực tế đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận và là bài học tốt để nhân rộng trong khu vực.

Ông Marco Toscano-Rivalta, Giám đốc khu vực của Văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR) hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam thông qua chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai. Đồng thời nhận định, không quốc gia nào trên thế giới có thể tự mình giải quyết các rủi ro về khí hậu, sinh học và thiên tai. Các quốc gia cần hợp tác với nhau để chia sẻ kiến thức, chuyên môn, kỹ thuật, cung cấp các hỗ trợ tài chính và xây dựng các kế hoạch xuyên biên giới cũng như hoạt động trong các lĩnh vực khác.

Ra mắt trang thông tin điện tử về Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa”

Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Viet Nam), Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) mới đây đã tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt trang thông tin điện tử về Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa”.

Trang thông tin điện tử có địa chỉ tại: https://chungtaygiamnhua.com do ISPONRE phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế xây dựng nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay để giảm rác thải nhựa tại Việt Nam.

Chiến dịch truyền thông trên được thực hiện trong khuôn khổ dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam”. Đây là sáng kiến thuộc dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và do Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp triển khai tại Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy sử dụng túi thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

Trang thông tin điện tử về Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa”

Theo kế hoạch, Chiến dịch sẽ tiến hành truyền thông theo nhiều hình thức để thúc đẩy thay đổi hành vi của toàn xã hội như: chiếu phim ca nhạc “Những chiếc túi biến mất”, triển lãm ảnh trực tuyến “Túi xanh đi chợ, nội trợ thông minh”, tổ chức cuộc thi hát cổ động “Những chiếc túi biến mất”...

Chiến dịch cũng sẽ xây dựng và đăng tải các sản phẩm truyền thông trên trang thông tin điện tử về Chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm chất thải nhựa”; tổ chức các hoạt động truyền thông và huy động thêm các đối tác đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa.

Linh Giang