Bản tin môi trường số 36/2022

Thứ hai, 19/9/2022 | 10:15 GMT+7
Tại Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Hợp tác quốc tế trong triển khai cam kết giảm phát thải ròng về “0”

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam còn gặp khó khăn về việc nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới như công nghệ đảm bảo an ninh, cân bằng các nguồn điện, công nghệ thu giữ carbon, công nghệ sản xuất nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tài chính cũng là vấn đề cần được chú ý để giúp thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Vì thế, để thực hiện được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Theo báo cáo về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có những con số cụ thể để có thể huy động được những nguồn lực từ các bên khác nhau với mức chi phí hợp lý.

Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng

Đa phần các đối tác quốc tế tham dự hội nghị cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng. Cùng với đó, các đối tác nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng chính sách cụ thể, nâng cao đào tạo trong khoa học và công nghệ đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông đảm bảo công khai, minh bạch cho các bên có liên quan.

Cụ thể, đại diện Liên minh châu Âu cho biết, cơ chế tài chính, chính sách để huy động vốn đóng vai trò rất quan trọng, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển các mục tiêu sau này, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh tế.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng khẳng định, đây là hành trình nhiều khó khăn với rất nhiều yếu tố mới, có nhiều thách thức, cơ hội trong việc triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng.

Vương quốc Anh tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã tiếp và làm việc với ông Iain Frew, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam về những chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam là một trong những đối tác có hoạt động hợp tác thường xuyên và sôi động nhất của Bộ TN&MT trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với Đại sứ Iain Frew về các chương trình hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Qua đây, Bộ trưởng mong Đại sứ Iain Frew sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Việt Nam; tiếp tục kết nối và thúc đẩy các đối tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam triển khai các cam kết tại COP26, nhất là trong quá trình đàm phán, triển khai JETP với các nước thuộc Nhóm G7, cũng như các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đại sứ Iain Frew cho biết, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam luôn tích cực hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Bộ TN&MT trong việc tham gia và triển khai các kết quả của COP26 cũng như các vấn đề môi trường nói chung.

Với vai trò là cơ quan đầu mối của Vương quốc Anh thúc đẩy sự phát triển toàn diện về hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, ông Iain Frew hy vọng sẽ có nhiều chương trình hợp tác với Bộ TN&MT hơn nữa về những nội dung chuyển đổi năng lượng, giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời sẽ tạo ra cầu nối để các doanh nghiệp của Vương quốc Anh đầu tư và phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.

Tổng kết kế hoạch loại trừ các chất HCFC, bảo vệ tầng ozone ở Việt Nam

Mới đây, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT phối hợp cùng WB tổ chức hội thảo Kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đã kêu gọi sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, tổ chức, các ngành công nghiệp, doanh nghiệp, người dân trong hoạt động chung tay bảo vệ tầng ozone để bảo vệ các kết quả đã đạt được trong hàn gắn tầng ozone và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội thảo Kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone

Về Kế hoạch tăng cường sự phối hợp liên ngành và hợp tác trong nước, nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình cam kết của Chính phủ, ông Tăng Thế Cường cho biết, Cục Biến đổi khí hậu đã có kế hoạch thúc đẩy việc triển khai các bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết với các bên nhằm phổ biến những quy định pháp luật, hướng dẫn các bên trong tổ chức thực thi.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã tổng hợp, đánh giá một số kết quả bước đầu thực hiện kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II trong các lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh và xốp; phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone; tọa đàm trao đổi về công tác quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal tại Việt Nam giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác quốc tế, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội và doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi công nghệ…

Linh Giang