Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 3/2020

Thứ hai, 20/1/2020 | 09:17 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp gỡ các nhà đầu tư dự án dự án điện gió tại Việt Nam để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư, từ đó kịp thời phối hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

EVN hỗ trợ các nhà đầu tư điện gió

Tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã tổ chức Hội nghị triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam nhằm lắng nghe, trao đổi, chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư để kịp thời phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Theo ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, dù nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) luôn được ưu tiên phát tối đa nhưng trong số hơn 4.500MW điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019, hiện còn 440MW đang phải giảm công suất phát. EVN đã và đang phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất. Dự kiến, khoảng quý III/2020, Tập đoàn sẽ giải tỏa hết nguồn công suất này, sớm hơn so với kế hoạch.

Cơ chế giá FIT của điện gió sẽ kết thúc vào tháng 11/2021. Chính vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả các dự án điện gió, EVN mong muốn các nhà đầu tư trao đổi, chia sẻ thẳng thắn để phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với EVN trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Ảnh minh họa

Chia sẻ tại hội nghị, một trong những mối quan tâm của các nhà đầu tư là các dự án điện gió sẽ được bổ sung quy hoạch rất nhiều trong thời gian tới có thể gây quá tải lưới điện truyền tải. Do đó, các nhà đầu tư mong muốn EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án truyền tải đồng bộ với các dự án điện gió; đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch các dự án phù hợp, tránh việc quá tải như điện mặt trời trong thời gian qua.

Báo cáo của Ban Thị trường điện - EVN cho biết, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD), hiện còn 31 dự án (tổng công suất 1.645MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa COD. Trong đó, theo tính toán của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), điều kiện giải tỏa công suất đảm bảo như cam kết trong hợp đồng mua bán điện đã ký. Cụ thể, với các dự án COD trong năm 2020, có xuất hiện quá tải khu vực Trà Vinh, Ninh Thuận và Bình Thuận; các khu vực khác đảm bảo giải tỏa tốt. Các dự án COD 2021 chỉ xuất hiện quá tải khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận, các khu vực khác bình thường.

Bên cạnh đó, hiện còn 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến đến 2025 nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất khoảng 2.700MW. Qua tính toán, khu vực Phú Yên quá tải nhẹ; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải; khu vực Quảng Trị giải tỏa tốt khi có TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Lao Bảo - Đông Hà; các khu vực còn lại đảm bảo giải tỏa tốt.

Do đó, EVN đề nghị các chủ đầu tư tích cực đàm phán về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhằm đảm bảo tiến độ dự án do thời gian áp dụng giá FIT hiện nay không còn dài (tháng 11/2021), đặc biệt các dự án nằm trong khu vực giải tỏa công suất tốt; phối hợp với EVN để thực hiện các thử nghiệm và để công nhận COD… Đồng thời, các nhà đầu tư điện gió cũng nâng cao chất lượng công bố và dự báo công suất nguồn; tuân thủ nghiêm ngặt quy định/yêu cầu vận hành… Đối với các dự án đang chờ bổ sung quy hoạch, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương ưu tiên xem xét bổ sung quy hoạch các dự án đảm bảo khả năng giải tỏa công suất…

Ông Trần Đình Nhân nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin cho EVN về tình hình triển khai dự án. Về phía EVN, Tập đoàn cũng sẽ công khai các thông tin về tình hình đầu tư xây dựng. Hai bên cần phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng".

Thêm công trình giải phóng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực Bình Thuận

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đóng điện đưa vào vận hành trạm biến áp (TBA) 220kV Phan Rí và đường dây đấu nối tại xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án TBA 220kV Phan Rí do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, SPMB thay mặt EVNNPT điều hành quản lý dự án. Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị thiết kế, Công ty CP Điện và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 4 là đơn vị tư vấn giám sát, Công ty CP Alphanam E&C và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư thương mại Công nghiệp Việt Á là đơn vị thi công. Công ty Truyền tải điện 3 là đơn vị tiếp nhận quản lý vận hành khi công trình hoàn thành.

Quy mô của dự án có 2 phần: phần TBA, triển khai xây dựng mới TBA 220/110kV với tổng dung lượng 500MVA (giai đoạn này lắp đặt 01 MBA 220/110kV - 250MVA); sân phân phối 220kV tiến hành lắp đặt 06 ngăn lộ 220kV, dự phòng vị trí cho 04 ngăn lộ; sân phân phối 110 kV lắp đặt thiết bị cho 09 ngăn lộ, dự phòng vị trí cho 09 ngăn lộ; hệ thống điều khiển, bảo vệ, đo lường, thông tin liên lạc và SCADA: được trang bị phù hợp quy định của EVN, EVNNPT; tuân thủ quy phạm và các quy định hiện hành. Phần đường dây đấu nối 220kV tiến hành xây dựng mới đoạn đấu nối 02 và 04 mạch đấu nối chuyển tiếp vào đường dây 220kV Nhà máy điện Vĩnh Tân - Phan Thiết, chiều dài tuyến khoảng 2,5 km.

Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận và các huyện phía Nam của tỉnh Ninh Thuận; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận và khu vực lân cận; giảm tải cho máy biến áp (MBA) 220/110kV tại các TBA 220 kV Phan Thiết, Tháp Chàm. Đặc biệt, dự án sẽ đấu nối và giải phóng một phần công suất của các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực; góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho lưới điện khu vực.

Trà Vinh sắp có thêm hai dự án điện gió

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh năm 2020 diễn ra mới đây, UBND tỉnh Trà Vinh đã trao quyết định chứng nhận đầu tư 5 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án điện gió.

Cụ thể, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đang xúc tiến đầu tư dự án Nhà máy điện gió số 3 tại vị trí V1-3 với tổng vốn đầu tư là 2.120 tỷ đồng.

Trà Vinh chuẩn bị có thêm hai dự án điện gió. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, liên doanh Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Công ty TNHH Tập đoàn điện lực Sermsang sẽ làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió V1-2 với tổng vốn đầu tư là 2.232 tỷ đồng.

Hai dự án đều sẽ được triển khai tại bãi bồi ven biển, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (thuộc khu kinh tế Định An).

Vương quốc Anh và Bộ Công Thương Việt Nam hợp tác về năng lượng

Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác nhân kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh và Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác về năng lượng giữa hai bên tại Hà Nội.

Nội dung hợp tác mà hai bên cùng nhất trí quan tâm thực hiện gồm: chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất về phát triển các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; đào tạo, nâng cao năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển điện gió ngoài khơi; hỗ trợ nghiên cứu các cơ chế chính sách về tiết kiệm năng lượng (TKNL); trình diễn mô hình TKNL và thúc đẩy sự tham gia của lĩnh vực tư nhân đầu tư cho TKNL; huy động các nguồn lực tài chính cho TKNL.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác về năng lượng giữa Vương quốc Anh và Bộ Công Thương

Đồng thời, hai bên sẽ tạo mối liên kết giữa nhà đầu tư, các đơn vị phát triển dự án với các đối tác thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng năng lượng ASEAN do Anh quốc chủ trì; hợp tác phát triển Công cụ 2050 Calculator về tính toán phát thải carbon trong năng lượng do Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh chủ trì.

Thời gian hiệu lực của Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác từ ngày 17/1/2020 – 17/1/2022 và có thể mở rộng thêm trong quá trình hợp tác đối với các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Đơn vị được giao đầu mối chủ trì phía Bộ Công Thương là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, phía Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh là Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.

PV