Nông nghiệp sạch

Bỉ sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển và nâng tầm vị thế cây ca cao

Thứ năm, 19/11/2020 | 15:18 GMT+7
Ngày 18/11, Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị để xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam độc đáo trên thị trường thế giới.

Năm 2013, ca cao Việt Nam giành được giải thường Ca cao quốc tế và được Tổ chức Ca cao quốc tế (ICCO) xếp vào loại “Ca cao hảo hạng hoặc có hương vị” vào năm 2015. 

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ngành ca cao Việt hiện đang gặp khó khăn, đó là diện tích nhỏ, lẻ, đa số là xen canh, hơn nữa ở khâu sơ chế và chế biến thành sô cô la cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển ngành ca cao ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn về vấn đề vùng nguyên liệu tập trung.

Do gặp khó khăn trong khâu chế biến nên nếu so sánh trên một đơn vị diện tích thì hiệu quả kinh tế của ca cao đang thấp hơn so với các cây trồng khác như cà phê, điều... Vì vậy, sau khi lên đỉnh điểm vào năm 2012 với 25.000ha, đến nay diện tích ca cao ở Việt nam chỉ còn 5.000ha.

Cây ca cao Việt Nam

Nắm bắt được những khó khăn của một doanh nghiệp sản xuất ca cao, tại hội nghị, ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn đề xuất cơ quan quản lý cần đưa ra được quy hoạch phù hợp cho cây ca cao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế trong liên kết và xây dựng chính sách giá phù hợp giữa doanh nghiệp với nông dân.

Đồng thời ông Quang cũng kỳ vọng, qua hội nghị này có thể vừa tìm được đầu mối thu mua ca cao từ Bỉ vừa tìm được đối tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ cường quốc sản xuất sô cô la này, giúp cải thiện khả năng chế biến cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng trong hội nghị, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen khẳng định, Bỉ là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất cũng như chất lượng của sô cô la và ca cao chính là nguyên liệu quan trọng nhất. Trong khi đó, Việt Nam lại sở hữu một loại ca cao rất độc đáo, có hương vị trái cây và chua nhẹ rất khó tìm.

“Với những tiềm năng như vậy, điều cần làm hiện nay là khai thác thế nào cho hiệu quả. Bỉ sẵn sàng hỗ trợ, tạo liên kết cho loại quả này của Việt Nam trên cơ sở 2 nước đã là đối tác chiến lược về nông nghiệp”, ông Paul Jansen phát biểu.

Hiện ngành công nghiệp sô cô la đang tiêu thụ hơn 4 triệu tấn hạt ca cao từ khắp nơi trên thế giới, với mức tiêu thụ sô cô la tăng trung bình là 5,7%. Nếu các thị trường lớn như EU và Mỹ áp đặt các quy định chặt chẽ hơn, cánh cửa cho các quốc gia có chuỗi cung ứng bền vững sẽ được mở rộng. Nhu cầu về nguồn ca cao bền vững đang tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường Việt Nam.

Khánh Huyền