Văn hóa, du lịch

Bình Thuận đưa di sản văn hóa vào trường học

Thứ năm, 17/12/2020 | 11:58 GMT+7
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa địa phương, đưa di sản văn hóa vào trường học các cấp trong năm 2021.

Kế hoạch triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa địa phương, đưa di sản văn hóa vào trường học các cấp trong năm 2021 được thực hiện theo chương trình "Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh" giai đoạn 2020 - 2025.  

Theo đó, bắt đầu từ năm 2021, Sở VHTTDL sẽ cùng Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp giới thiệu về các điểm thăm quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn Bình Thuận. Một số điểm thăm quan được ưu tiên giới thiệu là: di tích trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, di tích tháp Pô Sah Inư (TP Phan Thiết), Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm (huyện Bắc Bình)… Việc đẩy mạnh hoạt động thăm quan tại các bảo tàng, di tích nhằm đa dạng hình thức giáo dục truyền thống, phát huy giá trị di sản đến học sinh các cấp trong tỉnh. Mặt khác giúp học sinh trau dồi thêm kiến thức, trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ cũng như bảo vệ các di vật, cổ vật, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Học sinh thăm quan một số hiện vật văn hóa truyền thống

Học sinh tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn Bình Thuận sẽ là đối tượng được tham gia hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng, di tích. Các bảo tàng, trung tâm trưng bày sẽ giới thiệu các nội dung đang trưng bày, truyền tải thông điệp, ý nghĩa của tài liệu, hiện vật trưng bày đến các em. Còn với các di tích sẽ tập trung giới thiệu đến đối tượng tham quan về nguồn gốc ra đời, sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với di tích hoặc giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích… Trong quá trình thăm quan, học sinh cũng có cơ hội tương tác, trao đổi thông tin với cán bộ hướng dẫn.

Đối với hoạt động "Đưa di sản văn hóa vào trường học các cấp" xúc tiến cung cấp tài liệu ngay trong quý I/2021, Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Chuyên nghiệp, Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục - Đào tạo) sẽ tham khảo, triển khai đến trường học để lồng ghép vào nội dung giảng dạy các môn xã hội, báo cáo chuyên đề về di sản văn hóa… Đồng thời phối hợp tổ chức hội thi sáng tác tranh "Bảo tồn di sản văn hóa địa phương" đối với học sinh khối tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh; hội thi viết chữ Chăm dành cho học sinh các trường tiểu học có giảng dạy chương trình tiếng Chăm.

Từ năm 2021, hoạt động "Chúng em chăm sóc, bảo vệ và gìn giữ di tích" cũng được phối hợp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bia chiến tích, bia ghi công… Theo đó, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh các trường THCS, THPT tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, bảo vệ gìn giữ di tích, bia chiến thắng, bia tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ, địa chỉ đỏ bằng những hành động thiết thực, việc làm cụ thể…

Kế hoạch tổ chức hoạt động đòi hỏi phải có nội dung, hình thức phong phú, thiết thực và phù hợp đối tượng học sinh các bậc học; phải đảm bảo an toàn, gìn giữ vệ sinh môi trường tại bảo tàng, di tích; cần chuẩn bị các trang thiết bị phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả.

Thanh Bảo