Sức khỏe

Cảnh báo về tác hại nguy hiểm của nhiễm độc chì

Thứ tư, 26/10/2022 | 09:07 GMT+7
Nhân Tuần lễ quốc tế phòng, chống nhiễm độc chì, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi thông báo về tác hại đáng nguy hiểm của nhiễm độc chì.

Theo WHO, trẻ em tiếp xúc với hàm lượng chì thấp đã dẫn đến các vấn đề sức khỏe suốt đời như: thiếu máu, tăng huyết áp, nhiễm độc miễn dịch và độc tính đối với các cơ quan sinh sản; tác động đến thần kinh và hành vi. Các ảnh hưởng của chì đến sức khỏe là không thể chữa trị.

TS. Maria Nera, Giám đốc Cơ quan Môi trường và Y tế của WHO cho biết, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính rằng cứ 1 trong số 3 trẻ em trên toàn thế giới (khoảng 800 triệu trẻ) có nồng độ chì trong máu ở mức bằng hoặc trên 5 µg/dl. Đây là mức nguy hại, do đó cần có hành động toàn cầu ngay lập tức để giải quyết vấn đề này.

Theo bà Maria Nera, tiếp xúc với chì đặc biệt nguy hiểm đối với não bộ đang phát triển của trẻ em, có thể dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ), giảm khả năng chú ý, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ rối loạn hành vi.

Chì là một chất độc hại tích tụ trong cơ thể và ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan. Nó khuếch tán qua cơ thể đến não, gan, thận và xương; đặc biệt có hại cho trẻ nhỏ.

WHO ước tính rằng, phơi nhiễm chì là nguyên nhân gây ra thiệt hại về sức khỏe và tử vong trong 21,7 triệu năm trên toàn thế giới, do những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của nó. Trong đó có 30% trường hợp thiểu năng trí tuệ vô căn, 4,6% bệnh tim mạch và 3% bệnh thận mãn tính có thể do phơi nhiễm chì.

Phòng, chống nhiễm độc chì

Các nguồn phơi nhiễm chính là ô nhiễm môi trường từ việc tái chế pin axit chì và các hoạt động khai thác, nấu chảy chì được kiểm soát kém; việc sử dụng các biện pháp truyền thống có chứa chì, men sứ chì được sử dụng trong hộp đựng thực phẩm, ống dẫn chì và các thành phần chứa chì khác trong hệ thống phân phối nước và sơn chì.

Ngoài ra, có nhiều nguồn phơi nhiễm chì trong các môi trường công nghiệp như: khai thác và nấu chảy, tái chế chất thải điện tử và pin axit chì, đường ống dẫn nước, bom, đạn, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển.

Sự phơi nhiễm cũng có thể xảy ra ở các môi trường phi công nghiệp, bởi sơn chì được tìm thấy trong nhà, trường học, bệnh viện và sân chơi, nơi đa số trẻ em tiếp xúc mỗi ngày. Theo đó, trẻ em có thể ăn phải mảnh vụn hoặc bụi từ đồ chơi hay bề mặt có sơn chì, tiếp xúc qua đồ gốm tráng men chì và một số loại thuốc và mỹ phẩm truyền thống.

Tín hiệu đáng mừng là việc sử dụng chì đã "giảm đáng kể" ở sơn trong vòng 10 năm qua. Hơn 84 quốc gia đã có các biện pháp kiểm soát ràng buộc pháp lý để hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu và bán sơn có chì.

Tuy nhiên, WHO vẫn cảnh báo còn nhiều việc phải làm trong công cuộc loại bỏ, hạn chế tối đa việc sử dụng chì trong các hoạt đọng thường ngày. Tổ chức khuyến cáo cần xác định nguồn phơi nhiễm chì và thực hiện các bước để giảm và chấm dứt phơi nhiễm đối với tất cả những người có nồng độ chì trong máu trên 5ug/dl.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc đang kêu gọi tất cả các quốc gia cấm sơn có chì, xác định và loại bỏ tất cả các nguồn gây phơi nhiễm chì cho trẻ em. Đồng thời, tuyên truyền cho cộng đồng về sự nguy hiểm của việc lạm dụng các sản phẩm chứa chì và nói không với nhiễm độc chì.

Việt Nga