Sức khỏe

Chỉ 1% người dân ở Hà Nội hài lòng với chất lượng không khí

Thứ năm, 17/10/2019 | 09:30 GMT+7
Tỉ lệ người dân ở các thành phố lớn Việt Nam hài lòng về chất lượng không khí là rất thấp. Như tại Hà Nội, chỉ 1% người dân hài lòng với chất lượng không khí.

Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) thực hiện (trong giai đoạn từ 14/5/2019 đến 27/8/2019) và công bố kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của 1.000 người dân tại Hà Nội và TPHCM về chất lượng không khí nơi họ đang sống. Theo đó, một tỉ lệ lớn người dân (76,8% tại Hà Nội và 64,2% tại TPHCM) không hài lòng với chất lượng không khí ở hai thành phố lớn và cho rằng các biện pháp giải quyết ô nhiễm không khí là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, các biện pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí vẫn chưa đủ, cần phải tăng cường nhiều để cải thiện được chất lượng không khí. Tại Hà Nội, 76,8% số người tham gia khảo sát chọn “rất cần thiết” và 20,8% chọn “cần thiết” phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí. Tại TPHCM, 64,2% chọn “rất cần thiết” và 26% chọn mức “cần thiết” thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí.

Đa số người dân cho rằng, ô nhiễm không khí chủ yếu được gây ra bởi các hoạt động giao thông, đốt rác thải, xây dựng và công nghiệp, trong đó hoạt động giao thông là nguồn ô nhiễm không khí chủ yếu. 86,4% số người tham gia khảo sát cho rằng “hoạt động giao thông” là nguyên nhân gây ra suy giảm chất lượng không khí tại Hà Nội. Con số này ở TPHCM là 83,2%. Đáng chú ý, nguyên nhân “khí và chất thải từ nhà máy điện than” cũng chiếm một tỉ lệ khá lớn người dân lựa chọn với 64,8% ở Hà Nội và 57,2% ở TPHCM cho thấy đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng tại hai thành phố.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, khảo sát cũng chỉ ra cảm nhận của người dân về mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến họ là khác nhau. Cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp và dễ nhận thấy nhất của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ là cảm giác mệt mỏi, ngứa, rát mắt/mũi/họng, đau đầu, khó thở và gặp các vấn đề về da. 54% người dân ở Hà Nội nhận thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất nhiều đến họ, 36,8% người dân chọn mức độ ảnh hưởng vừa phải và chỉ có 1% người dân thấy ô nhiễm không khí không ảnh hưởng. Tại TPHCM, các con số được đưa ra là 41,6% cho ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất nhiều, 37,6% cho ảnh hưởng vừa phải và 2% cho không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy người dân đã tự thực hiện một số biện pháp thông thường để tự bảo vệ bản thân trước tình trạng ô nhiễm không khí như lau chùi nhà cửa, sử dụng khẩu trang, hạn chế hoạt động ngoài trời và sử dụng máy lọc không khí. Tuy nhiên, số người sử dụng khẩu trang chống được bụi mịn PM 2.5 và sử dụng máy lọc không khí còn thấp. Chỉ có 24,8% người tham gia khảo sát tại Hà Nội sử dụng khẩu trang chống bụi siêu nhỏ, 18% sử dụng máy lọc không khí trong nhà so với các mức 27% và 18,8% tương ứng tại TPHCM.

Do chất lượng không khí ngày càng kém đi, người dân mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu là phát thải trong giao thông; ban hành đạo luật liên quan đến không khí để chống ô nhiễm không khí; tăng thuế đối với các hoạt động gây ô nhiễm không khí và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát thải của các nhà máy điện than.

“Do hệ thống đo lường ô nhiễm không khí ở hai thành phố Hà Nội và TPHCM chưa hoàn thiện nên mức độ ô nhiễm còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, báo cáo này chỉ ra việc người dân cảm nhận thấy ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm không khí là rõ ràng. Vì vậy, trung tâm MDI khuyến nghị cần có các biện pháp phòng chống ô nhiễm không khí quyết liệt, đồng thời người dân cần được biết chính xác mức độ ô nhiễm và nguồn ô nhiễm tại hai thành phố lớn hiện nay đến từ đâu thông qua các nghiên cứu được tiến hành một cách khoa học, minh bạch và độc lập khỏi các nhóm lợi ích vì mục tiêu kinh tế mà gây hại cho môi trường”, bà Trần Lệ Thuỳ, Thạc sĩ Khoa học Phát triển, Đại học Oxford, Giám đốc Trung tâm MDI cho biết.

Thanh Tâm