Sức khỏe

Chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao

Thứ năm, 9/2/2023 | 09:00 GMT+7
Năm 2023, ngành thể thao bước vào giai đoạn khởi động đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi số trong TDTT là quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào quá trình chuyển đổi về môi trường tương tác, từ truyền thống lên môi trường số, dẫn đến sự dịch chuyển các hoạt động nghiệp vụ và thương mại. Dưới tác động của chuyển đổi số, các yếu tố trên được dự kiến sẽ diễn ra sôi động và đa dạng hơn. Chuyển đổi số trong TDTT cũng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế thể thao, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

Với các lợi ích trên, đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số; xây dựng, phát triển nền tảng số; phát triển dữ liệu số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; hoàn thiện bộ máy tổ chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số hướng đến tăng trưởng kinh tế thể thao

Theo đề án, có 2 lộ trình thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, giai đoạn 1 (2023 - 2025) sẽ ưu tiên tập trung hiện đại hóa hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tại Tổng cục TDTT. Giai đoạn này tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kiến thức về thể thao hiện đại cho cán bộ, viên chức và người lao động. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin: hệ thống tường lửa bảo mật dữ liệu, đường truyền, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu Tổng cục TDTT.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, xây dựng kho tri thức số cho Tổng cục Thể dục thể thao; đầu tư trang thiết bị, xây dựng tài nguyên thông tin số tại Tổng cục TDTT. Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu dùng chung trên cơ sở các dữ liệu được số hóa của Tổng cục TDTT và dữ liệu chia sẻ từ các hệ thống khác. Đào tạo kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức tại các Vụ, đơn vị trực thuộc.

Trong giai đoạn 2 (2026 - 2030), Tổng cục TDTT sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và số hóa dữ liệu, hoàn thiện kho tri thức số; đầu tư trang thiết bị, phục vụ việc khai thác các tài nguyên số. Giai đoạn này sẽ tập trung ứng dụng công nghệ mới trong việc khai thác, phân tích, giám sát, dự báo, hỗ trợ các cấp quản lý ra quyết định, cải thiện hiệu suất, thành tích vận động viên; đồng thời cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng; hỗ trợ cảnh báo gian lận, tiêu cực và tạo lập môi trường làm việc số, hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực TDTT.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt, ngành thể thao đã thực hiện chuyển đổi số cách đây khoảng gần 20 năm, dưới nhiều hình thức. Lãnh đạo ngành TDTT cùng các khối trường TDTT đã làm việc với Trung tâm thông tin và xây dựng nền tảng chuyển đổi số đầu tiên của thể thao Việt Nam; ngành thể thao đã thành lập Trung tâm thông tin TDTT và đã bước đầu cho các hoạt động liên quan đến vấn đề về tích hợp dữ liệu của vận động viên như đánh giá, so sánh thành tích, từ đó có chiến lược, tính toán phù hợp để phát triển những môn thể thao trọng điểm hướng tới đạt thành tích cao trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á và thế giới. 

Tổng cục trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, ngành thể thao cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ về chuyển đổi số. Theo đó, Trung tâm thông tin TDTT có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan để khảo sát, lấy ý kiến đóng góp cho đề án; phối hợp cùng đơn vị tư vấn giải pháp hoàn chỉnh lại dự thảo đề án; báo cáo trực tiếp lãnh đạo Tổng cục và các thành viên trong Ban soạn thảo xem xét trong thời gian sớm nhất. Thời hạn hoàn thành dự thảo đề án trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là trong quý I/2023.

Khả Như