Mới đây, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã khuyến nghị các nước cần sẵn sàng ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Theo IFRC, tất cả các nước trên thế giới vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đối phó với đại dịch trong tương lai, bao gồm các cuộc khủng hoảng y tế và các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Mạng lưới ứng phó thảm họa lớn nhất thế giới chỉ ra rằng, các trận động đất, hạn hán hay bão lũ đã từng được ghi nhận trong lịch sử đều không cướp đi nhiều sinh mạng hơn đại dịch Covid-19. Đại dịch này đã không được dự đoán trước và cho thấy “khoảng trống” lớn trong hệ thống y tế của các quốc gia.
Đặc biệt, sau 3 năm chịu tác động "tàn khốc" của Covid-19, các nước vẫn chưa hoàn chỉnh hệ thống ứng phó mạnh mẽ, chống lại dịch bệnh. Tinh thần sẵn sàng ứng phó của Chính phủ các nước hiện không cao hơn so với mức của năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Do đó, IFRC nhấn mạnh rằng, các nước cần tăng cường hệ thống ứng phó, sẵn sàng hành động với nhiều mối nguy hiểm trong tương lai. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, các thảm họa kép có thể xảy ra như thiên tai kết hợp các đợt bùng phát dịch bệnh gia tăng, trong đó có đại dịch Covid-19.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2023/2/2/ung-pho-dich-benh-20230202170125110.jpg)
Tăng cường hệ thống ứng phó trước những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai
Bên cạnh đó, các nước cần tăng cường kinh phí cho y tế; đồng thời đẩy mạnh phát triển những sản phẩm ứng phó với đại dịch với chi phí rẻ hơn, dễ bảo quản và dễ quản lý hơn.
Theo IFRC, việc xây dựng lòng tin trong ứng phó thảm họa là cực kỳ quan trọng. Khi mọi người tin tưởng vào các thông điệp an toàn, họ sẵn sàng tuân thủ các biện pháp y tế công cộng để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và người khác.
Để đạt được điều đó, IFRC khuyến nghị các nước trước hết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe và kinh tế xã hội trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiếp theo (như cải thiện điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, tình trạng suy dinh dưỡng... để dịch bệnh không trầm trọng hơn). Các tổ chức cần liên kết, dựa vào cộng đồng để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, bởi các bên liên quan và cộng đồng địa phương sẽ là những người ứng phó ở tuyến đầu, nắm rõ tình hình và có vai trò quan trọng trong tất cả các giai đoạn quản lý ổ dịch...
Lâm Bảo (theo IFRC.org)