Nông nghiệp sạch

Đảm bảo chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam

Thứ sáu, 28/10/2022 | 16:43 GMT+7
Ngày 28/10, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU (VPA – FLEGT), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức diễn đàn Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam.

Diễn đàn là dịp để thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp, bao gồm các cơ quan Chính phủ, hiệp hội gỗ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp. Qua đó, góp phần thúc đẩy các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam cũng như các đối tác thương mại thông qua tăng cường công tác truyền thông và chia sẻ thông tin về những hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung.  

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt gần 15 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ USD.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển phát biểu tại diễn đàn Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam

Có thể nói, phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Do đó, cần xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế, qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp.

Về các đối tác quốc tế, nhiều năm qua, GIZ là đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển rừng, lâm nghiệp cộng đồng, quản lý các khu bảo tồn và rừng bền vững. Đảm bảo các chuỗi cung ứng gỗ bền vững là một trong những ưu tiên về mặt chính sách của Chính phủ Đức thông qua đạo luật về hệ thống trách nhiệm giải trình doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng. Chính phủ Đức đang vận động thông qua các quy định pháp luật áp dụng cho các chuỗi giá trị toàn cầu, dự kiến các quy định này sẽ được phê chuẩn trước thời điểm cuối năm nay.

Hiệp định VPA - FLEGT tạo điều kiện để Việt Nam giải quyết tận gốc vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, quản lý rừng bền vững, thương mại gỗ có trách nhiệm, thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế. 

Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, cam kết cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng cùng với sự ủng hộ đồng hành của EU, các tổ chức quốc tế và trong nước, Hiệp định VPA - FLEGT sẽ được thực hiện thành công và Việt Nam sớm cấp phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu vào EU, góp phần thúc đấy thương mại song phương giữa EU và Việt Nam, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển khẳng định.

Trong khuôn khổ diễn đàn, tại phiên thảo luận cấp cao với chủ đề "Thúc đẩy các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”, các đại biểu đã được thông tin cụ thể về những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đang thực hiện để đảm bảo hợp tác về gỗ hợp pháp.

Thanh Bảo