Sức khỏe

Đảm bảo tiêm vaccine phòng Covid-19 an toàn cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Thứ năm, 7/4/2022 | 16:06 GMT+7
Dự kiến ngày 9/4, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ về đến Việt Nam. Ngay sau khi công tác kiểm định vaccine hoàn thành, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ sẽ được triển khai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Công tác tiêm chủng cho nhóm đối tượng này nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau khi vaccine phòng Covid-19 được cung ứng, Việt Nam sẽ triển khai đồng loạt tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có 2 loại vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em trong độ tuổi này, gồm vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Dự kiến, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ về đến Việt Nam ngày 9/4. Công tác tiêm chủng cho trẻ sẽ được triển khai ngay sau đó khi việc kiểm định vaccine hoàn thành. Dự kiến khoảng giữa tháng 4/2022 sẽ tiêm. Công tác tiêm chủng sẽ được triển khai trước tiên cho trẻ khối tuổi lớp 6.

Lô vaccine thứ 2 sẽ về vào ngày 13/4 và lô thứ 3 sẽ về trước ngày 18/4.

Sắp triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. (Ảnh minh họa)

Để công tác tiêm chủng cho trẻ được thành công tốt đẹp, phụ huynh, người giám hộ cần lưu ý một số thông tin sau đây trước khi vào điểm tiêm cho trẻ.

Cụ thể, nên chuẩn bị những câu trả lời để khám tầm soát trước tiêm: cha mẹ, người giám hộ cần cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng. Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Cha mẹ nên trao đổi với trẻ về tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng Covid-19 để giúp trẻ thoải mái hơn trước, trong và sau tiêm chủng; nên cho con ăn uống đầy đủ, tránh bị đói, khát trước khi tiêm; thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2...

Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.

Với trẻ đã mắc Covid-19, sau khi khỏi bệnh sau ít nhất 3 tháng, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có thể tiêm vaccine phòng Covid-19, tiêm các liều cơ bản cùng loại vaccine cho trẻ.

Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời, các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.

Lưu ý, khi thấy một trong các dấu hiệu sau tiêm vaccine dưới dây, cần đưa trẻ đi viện: ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật. Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.

Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; cảm thấy chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Khả Như (T/H)