Sức khỏe

Tiếp tục thực hiện tốt Luật An toàn thực phẩm

Thứ tư, 30/3/2022 | 13:01 GMT+7
Ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 87/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15).

Theo thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan, địa phương liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Nghị định 15; chủ động lấy ý kiến và lắng nghe phản ánh của người tiêu dùng, các nhà khoa học, hiệp hội và doanh nghiệp để sơ kết, tổng kết, đánh giá tổng thể, thận trọng; chỉ đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 15 khi có đủ cơ sở, bảo đảm nguyên tắc: đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước; phù hợp với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Các Bộ và cơ quan, địa phương liên quan cũng cần tiếp tục quan tâm, tăng cường năng lực thực thi, nhất là khâu hậu kiểm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân theo đúng tinh thần Nghị định.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân

Được biết, Nghị định 15 đã được Chính phủ ban hành, tổ chức thực hiện gần 3 năm và đạt được những kết quả tích cực bước đầu, nhất là việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức và tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn thực phẩm, được đông đảo nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá tích cực.

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về: thủ tục tự công bố sản phẩm; thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gene; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải thiết lập và duy trì hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát quá trình sản xuất và lưu thông phân phối nhằm bảo đảm mọi sản phẩm do cơ sở sản xuất đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố và an toàn đối với người sử dụng cho đến hết hạn sử dụng; phải có đủ nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc được giao và được huấn luyện đào tạo kiến thức cơ bản về thực hành sản xuất tốt (GMP), về an toàn thực phẩm và kiến thức chuyên môn liên quan.

Phải có hệ thống nhà xưởng, thiết bị và tiện ích phụ trợ được thiết kế, xây dựng, lắp đặt phù hợp với mục đích sử dụng, theo nguyên tắc một chiều, dễ làm vệ sinh, ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn, tránh tích tụ bụi bẩn, ô nhiễm và các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến sản phẩm và thực hiện duy trì hoạt động vệ sinh hàng ngày. Có bộ phận kiểm soát chất lượng để bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo các điều kiện, quy trình phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn đã thiết lập; các phép thử cần thiết được thực hiện; nguyên vật liệu không được duyệt xuất để sử dụng, sản phẩm không được duyệt xuất bán khi chưa được đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu; sản phẩm phải được theo dõi độ ổn định.

Mộc Trà