Sức khỏe

Thả muỗi mang Wolbachia ngăn chặn dịch sốt xuất huyết

Thứ năm, 24/3/2022 | 17:27 GMT+7
Ngày 24/3, Viện Pasteur TPHCM phối hợp với Chương trình Muỗi thế giới (WMP) tổ chức lễ triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để phòng ngừa sự lây lan của sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam.

Tại lễ triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, bên cạnh những biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết như: nằm màn, vệ sinh nhà cửa, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi còn có một phương pháp mới, nhiều tiềm năng hơn trong kiểm soát và phòng sốt xuất huyết là sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia.

Triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia tại thành phố Thủ Dầu Một

Wolbachia là phương pháp mới được ứng dụng trong cộng đồng để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng sức đề kháng với vi khuẩn gây bệnh, giống như tiêm vaccine cho muỗi, làm ức chế sự nhân lên của virus Dengue và Zika. Từ đó làm giảm hoặc mất khả năng truyền virus từ muỗi sang người, cụ thể là làm giảm lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

Vi khuẩn Wolbachia tồn tại trong tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Chúng có mặt trong khoảng 60% các loài côn trùng như: chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi.

Dự án được Bộ Y tế phê duyệt và do Viện Pasteur TPHCM phối hợp với Chương trình Muỗi thế giới và tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam thực hiện. Đây là lần đầu tiên muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại 2 đô thị là thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), hai điểm nóng dịch sốt xuất huyết trong nhiều năm tại khu vực miền Nam.

Muỗi vằn mang Wolbachia sẽ được thả ở những điểm nóng nơi ghi nhận các ổ dịch bệnh thông qua các "hộp thả muỗi" được treo trong khu vực dân cư. Khi được thả, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi vằn tự nhiên tại địa phương, từ đó lan truyền vi khuẩn kháng virus cho muỗi tự nhiên.

Phương pháp Wolbachia có khả năng tự duy trì. Đây là phương pháp an toàn, có hiệu quả lâu dài trong việc ngăn ngừa sự lây lan của sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác như Zika, Chikunguyna và sốt da vàng.

Khi thả trong tự nhiên, theo thời gian, số lượng muỗi vằn mang Wolbachia sẽ tăng dần cho đến khi không cần phải thả thêm, đồng nghĩa với khả năng lây lan virus gây bệnh từ muỗi sang người cũng giảm hẳn.

Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM chia sẻ: "Chúng tôi vui mừng khi cộng đồng rất ủng hộ việc thả muỗi vằn mang Wolbachia. Có đến 98% người dân đồng thuận khi được hỏi ý kiến về việc thả muỗi vằn mang Wolbachia phòng ngừa sốt xuất huyết".

Sau buổi thả muỗi tại thành phố Thủ Dầu Một, WMP dự kiến sẽ thực hiện đợt thả đợt muỗi tiếp theo tại thành phố Mỹ Tho.

Khả Như (T/H)