Đánh giá khả năng gia tăng trữ lượng dầu khí trong nước

Thứ ba, 28/6/2022 | 11:43 GMT+7
Tiểu ban Thăm dò Khai thác Dầu khí trực thuộc Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nhiệm kỳ 2020 - 2022) vừa tổ chức họp đánh giá khả năng gia tăng trữ lượng dầu khí trong nước giai đoạn 2022 – 2025.

Mới đây, tại Đà Nẵng, Tiểu ban Thăm dò Khai thác Dầu khí trực thuộc Hội đồng Khoa học Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nhiệm kỳ 2020 - 2022) tổ chức kỳ họp lần thứ III nhằm trao đổi các nội dung chuyên môn, tập trung đánh giá kết quả tìm kiếm thăm dò dầu khí năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trao đổi các giải pháp để thực hiện thành công kế hoạch tìm kiếm thăm dò dầu khí 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Để hoàn thành kế hoạch tìm kiếm thăm dò và gia tăng trữ lượng giai đoạn 2023 - 2025, Tiểu ban Thăm dò Khai thác Dầu khí xác định cần tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò tại các khu vực được xác định theo thứ tự ưu tiên: bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng với từng đối tượng được xác định cụ thể. 

Theo đó, tại bể Cửu Long, cần đẩy mạnh thăm dò khu vực lân cận các lô đang khai thác để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có; xem xét đối tượng Oligocene G, E ở các lô chuẩn bị phát triển; đánh giá lại tiềm năng khu vực các lô đã hoàn trả, kêu gọi đầu tư ký PSC mới. Tại bể Nam Côn Sơn, cần đẩy mạnh thăm dò đối tượng trầm tích vụn (clastic) khu vực trung tâm và tận thăm dò, thăm dò mở rộng các đối tượng tiềm năng ở khu vực các lô đang khai thác. Tại bể Sông Hồng, cần tập trung thăm dò các bẫy cấu trúc ở khu vực phía Bắc và phi cấu trúc ở trung tâm và phía Nam của bể.

Giàn xử lý trung tâm Sao Vàng

Ngoài ra, để sớm đưa các mỏ mới vào khai thác, cần đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản và nghiên cứu bổ sung cho các lô/khu vực lô mở, lô do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)/Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) quản lý, từ đó xác định vị trí tối ưu cho khoan thăm dò thẩm lượng hàng năm. Các cơ quan thẩm quyền cần sớm xem xét, phê duyệt gia hạn các hợp đồng dầu khí sắp hết hạn để người điều hành có phương án đầu tư, duy trì sản lượng khai thác và đẩy nhanh công tác khoan trên các cấu tạo/khu vực mỏ có triển vọng. 

Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng khí khu vực bể Nam Côn Sơn, Tiểu ban cho rằng, cần xây dựng chiến lược tổng thể để sớm phát triển các mỏ/phát hiện trong phạm vi bể, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện hữu để tận dụng công suất dư thừa, gia tăng sản lượng khai thác, tối ưu khai thác tài nguyên cho đất nước. 

Tại kỳ họp, Tiểu ban cũng tập trung thảo luận về các nội dung: “Kết quả ứng dụng tài liệu địa chấn 3D/4C trong công tác tận thăm dò Lô 09-1” (Vietsovpetro), “Chiến lược thăm dò thẩm lượng và phát triển khu vực cụm Lô 01 & 02 bể Cửu Long” (PVEP), “Đánh giá tiềm năng dầu khí các lô mở có triển vọng trên thềm lục địa Việt Nam” (VPI), “Tiềm năng dầu khí còn lại khu vực Lô 05-2 & 05-3 và định hướng tìm kiếm thăm dò tiếp theo” (Biển Đông POC) nhằm tăng cường hoạt động trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị, góp phần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của Petrovietnam giai đoạn tiếp theo.

Hải Long (t/h)