Năng lượng tái tạo

Đấu thầu điện mặt trời có thể giảm giá bán điện đến 40%

Thứ ba, 28/1/2020 | 09:00 GMT+7
Đấu thầu là hình thức đã được hàng chục quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo các chuyên gia, nếu chuẩn bị tốt, quá trình đấu thầu dự án điện mặt trời của của Việt Nam có thể giảm giá bán điện từ 30 – 40% so với mức giá khuyến khích áp dụng.

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, việc xác định giá bán điện mặt trời áp dụng trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo phương án đấu thầu. Thủ tướng yêu cầu việc ban hành giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 tiếp sau Quyết định 11 cần tuân thủ một số nguyên tắc như: chỉ áp dụng biểu giá khuyến khích cố định với dự án đã ký hợp đồng mua bán điện, đang thi công đưa vào vận hành trong năm 2020. Các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện.

Đấu thầu là hình thức đã được hàng chục quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo chuyên gia của Công ty tài chính quốc tế IFC, nếu chuẩn bị tốt, quá trình đấu thầu của Việt Nam có thể giảm giá bán điện từ 30 – 40% so với mức giá khuyến khích áp dụng.

Việt Nam chuẩn bị thực hiện cơ chế đấu thầu điện mặt trời trong thời gian tới

Tại hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 11/2019, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Euro Cham, Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Euro Cham nhấn mạnh, Việt Nam cần có các giải pháp sàng lọc và đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết trong bối cảnh nhu cầu về điện tăng. Việt Nam cần linh hoạt điều chỉnh quy hoạch đúng hướng. “Giá chưa chắc là phần quan trọng nhất. Các công ty sẽ đầu tư khi nhận thấy tính khả thi và nắm rõ quy trình... Nhu cầu tăng lên thì đấu thầu cũng là rủi ro”, ông nói.

Ông Oliver Behrend, Cán bộ đầu tư cao cấp Bộ phận cơ sở hạ tầng, IFC thì nhấn mạnh trách nhiệm của các bên ở các thời điểm trước, trong và sau khi đấu thầu. Trước đấu thầu, cơ quan quản lý phải có khung hợp đồng rõ ràng, thông tin cụ thể. Qua đó, doanh nghiệp nắm rõ dự án và tham gia đầu tư. Đơn vị phát triển phải biết quy mô dự án, quy hoạch đất đai, chi phí tài chính cho dự án và những yếu tố này cần phải được làm rõ từ đầu. Chính phủ cần nghiên cứu phân bổ rủi ro, có lập trường rõ ràng bởi rủi ro sẽ tác động đến giá.

Ông Trần Hoài Phương, Phó giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, HDBank cho rằng, khi giá điện mặt trời theo cơ chế đấu thầu, doanh nghiệp phải đối diện với một tình huống mới. Nếu trước đây, khi giá áp dụng là giá cố định (FIT) thì sau này, giá bán, sản lượng là biến số.

"Chúng tôi muốn nhắc nhở rằng, là doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì lỗ lô này ta làm lại các lô khác nhưng ngành này có dòng tiền 5 - 10 năm nên cần tính toán", ông Phương nhấn mạnh.

Theo ông, nhà đầu tư có thể vay tối đa nếu giá áp dụng là giá FIT nhưng đến khi giá theo đấu thầu thì cần tính toán tỷ lệ nợ trên vốn sao cho hợp lý. Ngược lại, về phía ngân hàng, nguồn tiền cho năng lượng tái tạo, điện mặt trời vẫn có song phân bổ thế nào cũng cần được tính toán.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), Chính phủ nên giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án điện mặt trời khi đấu thầu. Bước đầu tiên là lọc hồ sơ mời thầu, thay vì tính diện tích đất thì tính công suất điện dự án. Các nhà dự thầu phải lập hồ sơ trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, tiến độ, giải pháp cũng như chất lượng tấm pin mặt trời. Ông đề xuất 3 cách đấu thầu: thứ nhất, đấu thầu rộng rãi cho những dự án 50MW trở lên; thứ hai, đầu thầu hạn chế, lựa chọn những nhà thầu có kinh nghiệm tài chính và khả năng xây dựng dự án; cuối cùng là đấu giá.

Theo đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức này hiện đang phố hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương tiến hành dự án đấu thầu thí điểm vào cuối năm 2020. Dự kiến, dự án có công suất khoảng 200MW, tương đương với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu Đô la Mỹ.

Bà Hyunjung Lee, chuyên gia năng lượng cấp cao của ADB cho biết: “Đối với dự án đấu thầu đầu tiên này, để rút ngắn thời gian chúng tôi đang lựa chọn dự án đòi hỏi mức chuẩn bị tối thiểu. Ví dụ như các dự án điện mặt trời nổi tại các hồ chứa thủy điện sẽ cần ít sự chuẩn bị hơn so với các dự án mặt đất do không đòi hỏi đất đai và có sẵn hệ thống truyền tải gần đó”.

Ảnh minh họa

Ban chỉ đạo Quỹ Hạ tầng toàn cầu (GIF) mới đây cũng đã phê duyệt khoản tài trợ 1,5 triệu USD hỗ trợ Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình thí điểm đấu giá điện mặt trời.

GIF phối hợp cùng Ban Năng lượng của WB sẽ hỗ trợ chính phủ thiết kế và xây dựng chương trình đấu giá nhằm chuyển đổi từ cơ chế biểu giá điện hỗ trợ sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh phát triển điện mặt trời bền vững. Chương trình này góp phần giúp Việt Nam giải quyết bài toán năng lượng và thúc đẩy phát triển bao trùm bằng việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia.

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thu hút ngày một nhiều hơn nguồn lực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng bởi nhu cầu trong lĩnh vực này rất lớn và cấp thiết. Sự hỗ trợ của GIF đến đúng thời điểm quan trọng giúp Việt Nam vượt qua những thách thức hiện tại để thúc đẩy hơn nữa phát triển điện mặt trời, bao gồm đầu tư tài chính và phân bổ rủi ro”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.

“Đây sẽ là chương trình đấu giá năng lượng mặt trời đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, có tiềm năng nhân rộng ở quy mô lớn. Chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam huy động các nguồn tài chính tư nhân thông qua các cách tiếp cận tiêu chuẩn hóa, minh bạch và có hệ thống”, ông Jason Lu, Giám đốc GIF cho biết.

Mạnh Phúc