Nông nghiệp sạch

Đẩy mạnh mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ

Thứ tư, 14/7/2021 | 14:11 GMT+7
Ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp về xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ.

Tại cuộc họp, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, với vai trò là cầu nối, Trung tâm đã gắn kết doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi; hiện đã xây dựng thành công nhiều dự án ở cả hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt đã có dự án Xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc, với mục tiêu thực hiện trên 570ha lúa hữu cơ. Tính đến tháng 6/2021, dự án đã thực hiện xong 435ha, sản lượng thu trên 2.500 tấn. Đặc biệt, dự án còn nhân rộng thêm diện tích trồng trong vụ Xuân năm nay, trong đó Vĩnh Phúc thêm 250ha, Sơn La 370ha, Thái Nguyên 1.600ha, Nam Định 90ha, Hải Dương 90ha và Ninh Bình 600ha…

Mô hình trồng lúa hữu cơ ở các tỉnh phía Bắc

Kết quả ban đầu cho thấy, năng suất lúa đạt từ 58 - 60 tạ/ha, chất lượng đạt tiêu chuẩn lúa hữu cơ. Dự án cũng chuyển giao mô hình tổ chức sản xuất gắn kết giữa HTX, nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị trồng trọt, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, giá bán các sản phẩm gạo hữu cơ cao hơn gạo sản xuất đại trà từ 15 - 20%, trong khi chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm 25 - 30% nên hiệu quả kinh tế trồng lúa hữu cơ tăng 20 - 25%. Mặt khác, mô hình này còn giúp môi trường đất, nước được cải thiện, các loài sinh vật như cá, tôm, cua, ốc trong các ruộng lúa hữu cơ tăng cả về số lượng và chất lượng.

Đối với chăn nuôi, dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ cũng được triển khai với quy mô 1.040 con lợn thịt tại 5 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.

Kết quả cho thấy dự án có hiệu quả cao, đặc biệt trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Tất cả các hộ tham gia dự án đều an toàn, đàn lợn có sức đề kháng tốt nên không bị nhiễm bệnh. Khả năng tăng khối lượng của đàn hơn 650g/con/ngày, tiết kiệm 1.387 lít nước/con, chất lượng thịt thơm ngon… Sản phẩm được doanh nghiệp liên kết trực tiếp thu mua, chế biến, tiêu thụ nên có giá bán cao hơn từ 25 - 30%, đồng thời môi trường chăn nuôi cũng được cải thiện rõ rệt.

Từ báo cáo, đánh giá kết quả các mô hình nông nghiệp hữu cơ nêu trên, đại diện các cơ quan chuyên môn Bộ NN&PTNT đã phân tích những tồn tại, thiếu sót về mặt chính sách để phát triển hơn nữa lĩnh vực này. Đặc biệt, đối với các mô hình chăn nuôi, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, phải cơ cấu lại chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ bởi đây là vấn đề liên quan đến sinh kế người nông dân.

Thứ trưởng giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp xây dựng các HTX hữu cơ theo chuỗi giá trị nông sản. Theo đó, các HTX được lựa chọn phải có đầy đủ tiêu chí về nông nghiệp hữu cơ để trở thành hạt nhân, mô hình điểm để nhân rộng chứ không làm theo kiểu tràn lan. Cần phải cơ cấu theo hướng tổ chức chăn nuôi nông hộ theo hình thức tham gia HTX, liên kết HTX đó với các doanh nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất.

Xây dựng quy trình triển khai tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên từng lĩnh vực cụ thể, phối hợp xây dựng “làng nông nghiệp hữu cơ”. Hướng tới việc lồng ghép tiêu chí nông nghiệp hữu cơ vào chương trình xây dựng nông thôn mới như ban hành tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, vận động người dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Minh Khang (T/H)