Nông nghiệp sạch

Xây dựng, phát triển thương hiệu cho nông sản ĐBSCL

Thứ ba, 6/7/2021 | 11:10 GMT+7
Việc xây dựng, phát triển thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các sản phẩm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập và phát triển, nhất là trong giai đoạn thương mại bị siết chặt do dịch bệnh.

Xây dựng và quảng bá thương hiệu vừa góp phần gia tăng giá trị sản phẩm vừa thực thi quyền sở hữu trí tuệ của quốc gia. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, những năm gần đây, các địa phương, doanh nghiệp của vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản của địa phương mình.

Ví dụ, nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đã đăng ký Chỉ dẫn địa lý ở 28 quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu; xoài cát Hòa Lộc, huyện Cái Bè (Tiền Giang) sau khi được cấp Chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nga; đặc sản vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang) có giá bán tăng thêm đến 20% so với trước khi được cấp nhãn hiệu tập thể…

Vú sữa Lò Rèn được định danh thương hiệu

Ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM khẳng định, ĐBSCL có diện tích trên 40.000km2, với điều kiện tự nhiên ưu đãi, đây không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản của cả nước mà còn là nơi nổi tiếng có nhiều đặc sản địa phương. Thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh các đặc sản địa phương đã thu được nhiều thành quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nơi có đặc sản.

Tuy nhiên, các kết quả trên vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa toàn diện, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương của vùng, thương hiệu mang tính tập thể hoặc cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, việc xây dựng và phát triển thương hiệu chủ yếu dừng lại ở việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý, chứ chưa thật sự quản lý, khai thác và phát triển có hiệu quả để tạo ra giá trị gia tăng cao, định vị bền vững thương hiệu đặc sản địa phương trong tâm trí người tiêu dùng.

Việc quản lý, khai thác và nâng tầm thương hiệu của sản phẩm chưa có sự quyết tâm, chung sức nhiều hơn của các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm địa phương.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề xuất, ĐBSCL mà trước mắt là các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp muốn phát triển sản phẩm, dịch vụ của vùng thì không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định được thương hiệu, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển và "thế giới phẳng" như hiện nay.

Đóng góp về vấn đề này, ông Trần Giang Khuê cho biết, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu; cần xây dựng, phát triển thương hiệu dưới nhiều góc độ để gắn kết hài hòa giữa lợi ích của các nhà sản xuất, kinh doanh và lợi ích chung của tập thể, cộng đồng, địa phương.

Các nhà sản xuất, kinh doanh muốn sản phẩm, dịch vụ của mình được mang biểu tượng chung thì phải bảo đảm tiêu chí về chất lượng và nguồn gốc (được quy định trong quy chế sử dụng biểu tượng) và phải được cơ quan, tổ chức có chức năng chứng nhận là đã tuân thủ những quy định, điều kiện trong quy chế.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể - đại diện cho quyền lợi của nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương để quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu chung của địa phương, vùng miền; đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là cho đặc sản địa phương nói riêng để nâng cao nhận thức cộng đồng; giúp nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản có thể yên tâm đầu tư, sản suất, kinh doanh, tránh hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể làm giảm uy tín thương hiệu đặc sản địa phương.

Thanh Bảo (T/H)