Văn hóa, du lịch

Đề xuất thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương

Thứ hai, 10/6/2024 | 10:03 GMT+7
Theo Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp thực hiện thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương.

Cụ thể, theo Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, 12 địa phương được lựa chọn thí điểm sản phẩm du lịch đêm đều là các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, góp phần từng bước đưa du lịch đêm trở thành nhân tố chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm.

Phố đi bộ, chợ đêm và tổ hợp giải trí đêm riêng biệt là các mô hình được định hướng xây dựng. Để việc vận hành diễn ra thông suốt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ban hành các quy chế, quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm đồng bộ, an toàn và đúng pháp luật.

Hiện tại đã có một số tỉnh, thành phố ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó có phát triển sản phẩm du lịch đêm như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Cần Thơ… Hoạt động du lịch đêm đã và đang được đầu tư với mục tiêu đưa ngành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương.

Thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã định hướng 5 mô hình phát triển du lịch gồm: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin du lịch, quá trình phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu một số chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Sản phẩm du lịch đêm vẫn còn đơn điệu, việc quy hoạch không gian riêng còn hạn chế. Do đó, thời gian tới, việc xây dựng Quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm cần xác định khu vực, địa bàn cụ thể, bảo đảm kết nối thuận tiện. Công tác nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch đêm cần rà soát, kiến nghị điều chỉnh và bổ sung quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, thời gian cung cấp dịch vụ, chính sách đối với lao động làm việc đêm.

Các địa phương cần xây dựng đội ngũ an ninh, trật tự nhằm hỗ trợ và bảo đảm an toàn cho du khách. Tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động du lịch đêm theo các hình thức: tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Ban hành các quy chế, quy định, quy tắc ứng xử bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và an toàn.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch bằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhân lực của ngành; chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn của nhân lực du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý, giao tiếp, ngoại ngữ… cho các đối tượng tham gia phát triển dịch vụ du lịch đêm.

Trong thu hút nguồn lực đầu tư, các địa phương cần khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phát triển các sản phẩm du lịch. Định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến quảng bá để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan. Việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo về thị trường khách giữ vai quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch đêm phù hợp. 

Đặc biệt, cần chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh. Một số điểm đến đã triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, thanh toán trực tuyến, công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ, tăng cường xúc tiến sản phẩm du lịch đêm…

Khánh An (T/H)