Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Petrovietnam và Vietsovpetro về Luật dầu khí (sửa đổi)

Thứ sáu, 8/7/2022 | 10:16 GMT+7
Ngày 7/7, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đến thăm, làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro về Luật dầu khí (sửa đổi) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Petrovietnam, lãnh đạo Vietsovpetro đã báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội về tổng quan quá trình hoạt động; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022; báo cáo về những vướng mắc trong thực tiễn đầu tư, sản xuất kinh doanh, cơ chế, chính sách; những khó khăn liên quan đến những quy định của pháp luật nói chung, Luật Dầu khí nói riêng... Từ đó có những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Lãnh đạo Vietsovpetro nhấn mạnh, đối với Vietsovpetro, việc sửa đổi Luật Dầu khí có ý nghĩa quan trọng trong việc tính toán, lập và triển khai các kế hoạch phát triển trung và dài hạn, góp phần vào sự phát triển chung của ngành dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra, Vietsovpetro hy vọng rằng sau khi Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua, các văn bản dưới luật cũng sẽ được hoàn thiện sớm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn, Vietsovpetro, các đại biểu trong đoàn công tác của Quốc hội cho ý kiến, trả lời về các kiến nghị của Tập đoàn, Vietsovpetro.

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương, đánh giá cao kết quả hoạt động và đóng góp tích cực của Petrovietnam và Vietsovpetro trong năm 2021 cũng như 6 tháng đầu năm 2022. Ông Nguyễn Đức Hải bày tỏ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Tập đoàn cùng Vietsovpetro sẽ tiếp tục phát triển và phát huy vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng, dầu khí, tiếp tục đi đầu trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ và Vietsovpetro luôn là một hình mẫu trong hợp tác quốc tế...

Về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cao Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ ba về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí nhằm bảo đảm 6 yêu cầu chủ yếu sau: 

Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, tăng cường tính minh bạch, hướng tới phát triển bền vững ngành dầu khí, đặc biệt trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian.

Ba là, đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm Luật Dầu khí là luật chuyên ngành về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Bốn là, thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Năm là, thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan, trong đó, phát huy vai trò của Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Quy định cụ thể chức năng và cơ chế giám sát, kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với việc sử dụng vốn nhà nước tại Petrovietnam và các đơn vị thành viên. Làm rõ vai trò của Petrovietnam với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng khí và với tư cách thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

Sáu là, xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về hoạt động dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và quy hoạch năng lượng để tạo cơ sở bảo đảm sự đồng bộ, kết nối giữa khai thác khí với việc xây dựng các nhà máy điện khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế chủ trì, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư tới.

Hải Long (t/h)