Tiết kiệm điện năng

Dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp còn từ 20 - 30%

Thứ ba, 10/5/2022 | 08:00 GMT+7
Theo khảo sát, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20 - 30%.

Ngày 9/5, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo giới thiệu dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam - dự án VSUEE.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển nền kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, các ngành công nghiệp của Việt Nam chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Từ các khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3) cho thấy, dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20 - 30%.

“Dự án VSUEE với mục tiêu là động lực, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thay đổi công nghệ theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Dự án mong muốn góp phần thúc đẩy khối doanh nghiệp công nghiệp kiên định theo đuổi mục tiêu tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Ông Chu Bá Thi, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định: Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng với Việt Nam, thông qua Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững. WB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua hàng loạt chương trình, dự án đã và đang đưa vào triển khai trong thời gian tới. Những dự án hợp tác giữa WB và Bộ Công Thương sẽ đóng góp vào thành công của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD tương đương khoảng 252 tỷ đồng. Kinh phí bao gồm: hợp phần 1, vận hành quỹ chia sẻ rủi ro 3 triệu USD và hợp phần 2, hỗ trợ kỹ thuật 8,3 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026.

Bên cạnh các doanh nghiệp công nghiệp và ngân hàng tham gia dự án, các cơ quan/đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án như đơn vị quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng ở Trung ương và địa phương, các trung tâm tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước được tăng cường năng lực về quản lý ngành, xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, số liệu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Chương trình hội thảo tại Đà Nẵng kéo dài trong hai ngày 9 và 10/5. Cũng trong khuôn khổ chương trình, hội thảo tương tự đã được tổ chức tại thành phố Hà Nội vào ngày 5 và 6/5 vừa qua và một hội thảo tương tự cũng sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào nngày 11 và 12/5 nhằm giới thiệu về dự án và tập huấn chuyên sâu cho các đơn vị tham gia.

Nhã Quyên