Sức khỏe

Giá thuốc bệnh viện E cao hơn nhiều giá thị trường

Thứ tư, 27/11/2019 | 12:34 GMT+7
Theo phản ánh của bệnh nhân, Nhà thuốc bệnh viện E Hà Nội đang bán thuốc cao hơn giá thị trường cũng như cao hơn giá thuốc bệnh viện đấu thầu.

Ăn chặn của bệnh nhân?

Phản ánh của bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại bệnh viện E, nhiều loại thuốc mua tại Nhà thuốc bệnh viện có giá cao hơn so với giá thị trường. Thuốc Oresol hương cam giá thị trường chỉ 750đồng/gói, giá đến tay bệnh nhân của bệnh viện E là 1.800đồng/gói. Thuốc PMS-Pregabalin75mg có giá thị trường là 14.000 đồng/viên nhưng người bệnh phải mua tại bệnh viện giá 16.850đồng/viên…

Không chỉ giá thuốc Nhà thuốc cao hơn thị trường mà giá thuốc trúng thầu ở bệnh viện này còn cao hơn so với quy định. Độc giả phản ánh có đến hàng chục loại thuốc có giá cao hơn giá thị trường như Unasyn Tab 375mg giá trúng thầu 14.790 đồng/viên nhưng giá thị trường là 14.000 đồng/viên, Pulmicort Respules giá trúng thầu 13.834 đồng/ống trong khi đó giá thị trường là 13.100 đồng/ống; Utrogestan 100mg, giá trúng thầu là 6.500 đồng/viên, giá thị trường 5.850 đồng /viên, Ventolin Neb 5mg/ 2.5ml 6x5's giá trúng thầu là 8.513 đồng/ống, giá thị trường chỉ có 5.766 đồng/ống, Pulmicort Respules Bệnh viện E trúng thầu số lượng 54.000đồng/ ống với giá 13.834đồng /ống  và bán với giá 14.800đồng/ống trong khi đó giá thị trường là 13.100/ống. Thuốc Lipitor 10mg, 20mg giá trúng thầu tại bệnh viện E là 15.941đồng/viên số lượng trúng thầu là 23,000 đồng/viên trong khi đó giá thị trường là 15.333đồng/viên... hay như thuốc Fastum Gel giá trúng thầu là 47.500đồng/ hộp thì giá thị trường chỉ có 43.000 đồng/hộp.  

Thuốc Medrol Tab 4mg giá đấu thầu là 983đồng/viên nhưng nhà thuốc này lại bán đến 1.130 đồng/viên

Thậm chí có những loại thuốc chênh so với thị trường vài chục nghìn đồng/lọ như thuốc Invanz 1g, giá trúng thầu là 552.421đồng/lọ chênh gần 50.000 đồng/lọ so với giá thị trường. Thuốc Heparin25000UI/5ml giá thị trường là 80.000 đồng/lọ nhưng giá trúng thầu là 110.250 đồng/lọ chênh hơn 30.000 đồng/lọ.

Theo phản ánh của độc giả, chỉ với 4 loại thuốc Unasyn Tab 375mg 8's, Pulmicort Respules, Utrogestan 100mg và Coveram5mg/10mg có giá chênh so với giá thị trường chỉ 1 vài nghìn đồng/viên nhưng với số lượng trúng thầu từ vài nghìn đến vài trăm nghìn thì Nhà thuốc Bệnh viện E đã thu chênh lệch lên đến hơn 402 triệu đồng.

Tuy nhiên số tiền hơn 400 triệu đồng chênh lệch như tính toán chỉ là số nhỏ so với tổng số 268 tỷ đồng tiền đấu thầu thuốc 8 tháng đầu năm 2019 của bệnh viện E. Như vậy, số tiền chênh lệch bệnh nhân đang phải chịu sẽ đi về đâu?

Ai chịu trách nhiệm?

Theo đơn độc giả, hầu như các loại thuốc có giá cao hơn giá thị trường tại bệnh viện E đều là của Công ty cổ phần dược liệu TW2 trúng thầu. 8 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền trúng thầu thuốc của Bệnh viện E là hơn 268 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần dược liệu TW2 trúng đến hơn 52 tỷ đồng.

Bệnh viện E Hà Nội

Theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP Chính phủ quy định về thặng số bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định giá bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm giá mua vào ghi trên hóa đơn và thặng số bán lẻ tính bằng mức thặng số bán lẻ nhân với giá mua vào. Cụ thể, mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau: a) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%; b) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 (một nghìn) đồng đến 5.000 (năm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%; c) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 (năm nghìn) đồng đến 100.000 (một trăm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%; d) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 (một trăm nghìn) đồng đến 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%; đ) Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%.

Đối với thuốc biệt dược thì theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế trên 10% đối với thuốc có giá tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 (năm nghìn) đồng đến 100.000 (một trăm nghìn) đồng; trên 7% đối với thuốc có giá tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 (một trăm nghìn) đồng đến 1.000.000 (một triệu) đồng. Với quy định này thì giá thuốc tại Bệnh viện E đang vượt so với giá quy định. Đơn cử thuốc Utrogestan 100mg giá thuốc trúng thầu là 6.500 đồng/viên thì Nhà thuốc Bệnh viện E đang bán 14.000 đồng/viên vượt quy định cho phép. Thuốc Ventolin Neb  5mg/ 2.5ml 6x5's giá trúng thầu là 8.513 đồng/ống thì giá Nhà thuốc bệnh viện E đang bán là 12.000 đồng/ống.

Điều đặc biệt là giá trúng thầu của bệnh viện E cao hơn so với các nơi khác. Đơn cử như thuốc Fleet Enema  Bệnh viện E trúng thầu với giá 59.000đồng/chai, số lượng 4000 chai, trong khi đó SYT Bắc Ninh lại trúng thầu với giá chỉ 56.750/chai số lượng là 2100/chai. Đặc biệt, SYT Bình Phước số lượng 2.160 giá chỉ có 53.000/chai.

Sự chênh lệch, lạ lùng trên khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của bệnh viện trong việc kiểm soát giá thuốc cũng như liệu có sự tiếp tay cho nhà thuốc tăng giá thuốc hay không? PV Năng lượng Sạch Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

PV