Bài 3: Hạnh phúc đong đầy từ nền nông nghiệp xanh
Như đã phản ánh ở bài trước, tỉnh Lâm Đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được hiện thực hóa bằng rất nhiều giải pháp, nhiều mô hình... Những hộ đã thoát nghèo (và có cả đã khá giả) hay những hộ nghèo, cận nghèo đã và đang hòa chung dòng chảy vươn lên trong hệ sinh thái nền nông nghiệp xanh.
Từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trong kỷ nguyên số và chuyển đổi số hiện nay, sự phát triển nahnh chóng và vận dụng linh hoạt của các công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực nông nghiệp truyền thống đã tạo ra khái niệm nông nghiệp thông minh.
Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có tỷ trọng ngành nông nghiệp cao, đảm nhận vai trò trụ đỡ nền kinh tế. (Năm 2022, nông nghiệp tăng trưởng trên 5%, đạt 19,9 nghìn tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 38,62% cơ cấu kinh tế). Hiện nay, Lâm Đồng có diện tích canh tác khoảng 328 ngàn ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hơn 66 ngàn ha, chiếm gần 22%.
Lâm Đồng đã chuyển đổi, cải tạo 13 ngàn ha đất sản xuất kém hiệu quả (trong đó, trên 7 ngàn ha tái canh cải tạo, trên 6 ngàn ha chuyển đổi trồng mới). Giảm được 4.226 ha đất canh tác kém hiệu quả, đưa diện tích canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng còn khoảng gần 41 ngàn ha, chiếm 13,6% diện tích canh tác.

Rất nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã “hành động xanh” trong cuộc sống (Ảnh: Các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Daisy International, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương tham gia kết nối tiêu thụ nông sản)
Với lợi thế điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng kinh nghiệm và tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh, nhạy của người nông dân, nông nghiệp Lâm Đồng là một trong những trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao của toàn quốc. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt bình quân 430 triệu đồng/ha, chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất của ngành. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ thông minh đạt trên 02 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3-8 tỷ đồng/ha/năm.
Tính đến cuối tháng 6/2023, Lâm Đồng có 214 sản phẩm OCOP, từ 3 sao đến 5 sao. Tỉnh tiếp tục phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn
Năm 2022, Lâm Đồng có tổng đàn vật nuôi 542.755 con, gồm trâu, bò, lợn, dê và gần 11 triệu con gia cầm. Hàng năm, Lâm Đồng có hơn 220 ngàn tấn phế phẩm hữu cơ có thể tái chế phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi năm, phụ phẩm từ trồng trọt khoảng trên 1,6 triệu tấn, bao gồm rau, rơm, rạ, vỏ cà phê, cây ngô, đậu…, và tổng lượng phân chuồng ngành chăn nuôi khoảng 866,4 ngàn tấn. Nếu tổ chức sản xuất thu gom tất cả các nguồn thải hữu cơ để chế biến phân bón hữu cơ sẽ là nguồn cung cấp phân bón sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ rất lớn, đồng thời giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, gia tăng nông sản hữu cơ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, mỗi năm khoảng 70-75% khối lượng chất thải từ chăn nuôi đã được tái tạo làm phân bón sử dụng hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp (làm khí sinh học, ủ phân).

Được hướng dẫn kỹ thuật, hộ anh Hà Rung Dũng, dân tộc K'Ho ở xã Gia Bắc, huyện Di Linh tiên phong trồng xen cà phê với bơ bằng cùng bón phân chuồng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và lan tỏa đến các hộ dân tộc thiểu số hoàn thành tiêu chí thu nhập để đạt chuẩn xã nông thôn mới
Đến tháng 7/2023, tỉnh đã xác định 171 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng và ban hành 17 quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa bàn Lâm Đồng. Xây dựng 14 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm hữu cơ. Hỗ trợ cấp 13 giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ với 63,15 ha. Toàn tỉnh hiện có 140 ha đồng cỏ để phục vụ chăn nuôi bò sữa với trên một ngàn con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ…Lâm Đồng đã được các ngành chức năng tập huấn chuyển giao các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho hàng ngàn lượt nông dân…
Trước tình hình công nghệ xử lý phế phẩm còn hạn chế và chưa có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tái chế, ngành Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng hướng dẫn người dân triển khai thực hiện các mô hình ủ phân từ phế phẩm nông nghiệp kết hợp vi sinh vật bản địa IMO đơn giản. Mô hình đã đạt nhiều lợi ích và áp dụng rộng rãi nhờ chi phí thực hiện ủ 10 tấn phân thành phẩm thấp hơn mua phân hữu cơ ngoài thị trường, quy trình thực hiện đơn giản, dễ tiến hành và dễ chuyển giao. Đây là kết quả rất khả quan, được nhiều hộ nông dân Lâm Đồng hưởng ứng.

Mô hình ủ phân từ phế phẩm nông nghiệp kết hợp vi sinh vật bản địa IMO đơn giản triển khai tại huyện Cát Tiên ngày càng được nông dân nhân rộng
Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là hành động nhất cử lưỡng tiện: nâng chất lượng nông sản, tiết kiệm đầu tư, lợi ích về sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng… Đó là nền nông nghiệp của ý thức và trách nhiệm từ nông dân, cùng sự phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan hữu trách. Một lần nữa càng khẳng định, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng là sự hòa điệu và chung tay của nhiều ngành với cộng đồng. Chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” của chế độ ưu việt hôm nay vốn là linh cốt hun đúc của truyền thống ngàn đời dân tộc Việt.
Nông nghiệp sạch còn là tiết kiệm và giảm thiểu ô nhiễm
Tại Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp thường tập trung và quanh năm theo hướng đầu tư thâm canh cao, do đó lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác tương đối lớn. Giai đoạn 2020-2022, ước tính lượng thuốc BVTV sử dụng từ 3,5 ngàn đến 4,2 ngàn tấn/năm, tương đương lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh hàng năm khoảng 175-210 tấn/năm. Theo Sở NN&PTNT, những năm gần đây, khối lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh đã có xu hướng giảm. Năm 2020, khoảng 210 tấn, năm 2021 là 200 tấn và năm 2022 là 175 tấn. Toàn tỉnh đã lắp đặt hơn 3,7 ngàn bể thu gom bao gói thuốc BVTV đặt tại các trục đường nội đồng (tăng 2.296 bể so với 2019), xây dựng 22 kho lưu chứa bao gói thuốc BVTV chờ tiêu hủy. Lượng bao gói thuốc BVTV được thu gom và tiêu hủy đúng quy định năm 2022 đạt 42,5 tấn/175 tấn (chiếm 24,3%)…Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030, trên 90% bao gói thuốc BVTV được thu gom, xử lý theo đúng quy định.
Phát biểu về nền nông nghiệp xanh góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Văn Châu – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng khái quát: Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt mở rộng hình thức liên kết. Nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp thông qua việc thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Việc ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ – tuần hoàn không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái. Các loại phế phẩm nông nghiệp trước đây thải ra môi trường sẽ trở thành phân bón phục vụ tái sản xuất. Đây chính là những chế phẩm an toàn thân thiện với môi trường. Cần nhân rộng mô hình nông nghiệp tuần hoàn để tạo ra các nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Anh Nguyễn Ngọc Vân, Chủ nhiệm HTX Tu Tra, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (người đội mũ) là điển hình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ giàu, tạo công ăn việc cho 8 lao động tại địa phương
Thực tiễn đã khẳng định, Chương trình MTQG giảm nghèo với từng bước đi bền vững chỉ gắn với nền nông nghiệp xanh. Đó là nền nông nghiệp áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ sử dụng hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm đầu tư đầu vào, giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo sản phẩm chất lượng cao và an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, giúp nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, ổn định kinh tế,... Hiểu rộng hơn, giảm nghèo bền vững gắn với tăng trưởng xanh. Hai chữ “bền vững” cùng gắn với phát triển nền nông nghiệp và chiến lược giảm nghèo, như là sự tác động tương hỗ.
*Bài 1: Lâm Đồng từ kết quả đến đột phá
*Bài 2: Chìa khóa của sinh kế là đa dạng hóa về mô hình
Bài cuối: Bền vững là sự song hành và của đích đến