Hà Nội tìm hướng bảo vệ môi trường ở các làng nghề

Thứ hai, 23/8/2021 | 15:47 GMT+7
Thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, năm 2021 thành phố sẽ tập trung rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, từ đó đưa ra giải quyết vấn đề còn tồn đọng một cách hiệu quả.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội sẽ hướng dẫn các quận huyện có làng nghề tiến hành rà soát chất lượng môi trường từng làng và tổng hợp báo cáo UBND thành phố. Báo cáo tổng hợp là căn cứ để UBND thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường toàn bộ làng nghề trên địa bàn, tiến tới mục tiêu 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục triển khai Kế hoạch hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020 nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội làng nghề; đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng... làm cơ sở cho việc phân loại, phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề

Mặt khác, trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND thành phố tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng. Thành phố đồng thời huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND thành phố đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà với công suất 20.000 m3/ngày đêm; hoàn thành cơ bản Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) có công suất 8.000 m3/ngày đêm... góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho các địa phương.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường trên địa bàn, điển hình là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy (Thanh Oai) công suất 1.000 m3/ngày đêm giai đoạn 2021 – 2025; Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (Hoài Đức) công suất 4.000 m3/ngày đêm…

Nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư và bảo vệ môi trường làng nghề, thành phố Hà Nội đã thành lập nhiều cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đến nay đã khoảng 30/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Thời gian tới, UBND thành phố thành lập thêm hơn 40 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Hà Đông… Với những nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố hướng đến năm 2030.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề. Mới đây, Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Ngọc Mai (T/H)