Ứng dụng hệ thống xử lý nước thải tại Hà Tĩnh

Thứ hai, 1/8/2022 | 11:00 GMT+7
Nhằm thực hiện công tác bảo vệ môi trường, các cấp chính quyền tại Hà Tĩnh đã triển khai mô hình ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào xử lý vấn đề nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình.

Ông Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Nước thải sinh hoạt dù không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người như nước thải công nghiệp nhưng để lâu dần sẽ tích tụ vi khuẩn, gây nên tình trạng ô nhiễm, dẫn tới nguy cơ cho nhiều loại bệnh như hô hấp, tiêu hóa, ngoài da…

Ngoài ra, nước thải sinh hoạt sẽ chảy ra hệ thống ao, hồ, sông suối làm các sinh vật như tôm, cá có thể chết, sau đó ngấm xuống lòng đất để rồi con người tiếp tục sử dụng trở lại. Do vậy việc triển khai mô hình xử lý nước thải sinh hoạt là hết sức cần thiết.

Để xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Thạch Hà đã xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng các vật liệu composite, ống bê tông, xây bằng gạch… Từ nguyên lý hoạt động đơn giản, mô hình đang được người dân áp dụng tạo nên tính bền vững trong bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt mới tại huyện Thạch Hà góp phần bảo vệ môi trường

Năm 2019, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi đã qua xử lý biogas của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh được triển khai thí điểm tại huyện Thạch Hà. Các hộ dân được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình, hỗ trợ chế phẩm sinh học, kỹ thuật xử lý nước thải. Kết quả thử nghiệm cho thấy, nước thải đầu ra trong hơn, mùi hôi giảm rõ rệt, toàn bộ hệ thống nước thải sau xử lý được tận dụng để tưới cây.

Với sự hỗ trợ từ Văn phòng điều phối nông thôn mới và các chính sách của huyện, tỉnh nên hiện nay trên địa bàn xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà đã có hàng trăm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt lớn nhỏ đi vào hoạt động.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương Nguyễn Văn Ninh, đầu năm 2022, địa phương đã triển khai nhân rộng mô hình tới 300 hộ dân trên địa bàn. Mức độ hưởng ứng triển khai mô hình trên địa bàn xã đã đánh giá mô hình có tác dụng hiệu quả trong việc xử lý chất thải tại các hộ dân.

Đến nay, toàn huyện Thạch Hà đã nghiệm thu 1.670 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, 109 mô hình xử lý nước thải chăn nuôi. Trong năm 2022 dự kiến sẽ hoàn thành 3.000 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2024 có 50% hộ dân xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi.

Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hộ dân được khuyến khích xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt 3 ngăn. Do quy trình xây dựng đơn giản, giá thành hợp lý, lại có thể xử lý một cách cơ bản tình trạng ô nhiễm nên kỹ thuật này đã được nhiều hộ dân sử dụng. Đây là yếu tố quan trọng để các địa phương củng cố, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, trong xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình và mô hình xử lý nước thải tập trung tại khu/cụm dân cư. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, lập kế hoạch triển khai xây dựng mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình của HĐND tỉnh và mô hình xử lý nước thải khu dân cư tập trung. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có khoảng 13.500 hộ dân cư nông thôn đã xây dựng mô hình thu gom, xử lý nước thải, đạt khoảng 4,5% số hộ.

Thu Hoài (T/H)