Sức khỏe

Hiểm họa từ những người không tiêm vaccine

Thứ sáu, 24/9/2021 | 09:48 GMT+7
NLSVN - Với tốc độ lây lan của dịch covid-19 thì việc tiêm vaccine là vô cùng cần thiết. Nó không những đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân người tiêm và cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà nhiều người đã từ chối cơ hội bảo vệ này.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư Khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Vanderbilt, Mỹ cho hay: “Những người không tiêm chủng có thể trở thành các nhà máy sản xuất biến thể. Càng có nhiều người không tiêm chủng thì virus càng có nhiều cơ hội để sinh sôi nảy nở”.

Tất cả các loại virus đều có thể bị đột biến, hoặc chí ít là thay đổi và tiến hóa. Hầu hết các thay đổi không thực sự có ý nghĩa đối với virus, thậm chí còn có thể làm cho virus yếu đi. Tuy nhiên, đôi khi sự phát triển của virus lại tạo ra một đột biến ngẫu nhiên mang lại lợi thế cho nó như khả năng lây truyền tốt hơn, sao chép hiệu quả hơn hoặc khả năng lây nhiễm chéo qua nhiều vật chủ.

Andrew Pekosz, nhà vi trùng học đồng thời là nhà miễn dịch học tai trường y tế công John Hopkins Bloomberg nói: “Mỗi khi biến đổi, virus lại có thêm một nền tảng mới để tạo ra nhiều đột biến hơn nữa. Virus không lây lan không thể tạo ra đột biến”.

Các biến thể của virus corona chủng mới hiện đã xuất hiện trên khắp thế giới. Đó là B.1.1.7 (Alpha) được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, biến thể B.1.351 (Beta) được tìm thấy ở Nam Phi. Biến thể Delta, hay B.1.617.2, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Một loạt biến thể khác từng xuất hiện ở Mỹ, gồm B.1.427 (Epsilon) ở California, B.1.526 (Eta) được phát hiện đầu tiên ở New York.

Chính vì vậy, việc tiêm chủng có thể giúp làm chậm sự lây lan của virus nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Các vaccine ngừa Covid-19 hiện nay không ngăn chặn được tất cả các ca lây nhiễm, cũng như không thể ngăn những người đã nhiễm virus truyền nó sang người khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc tiêm chủng có tác dụng sẽ làm hạn chế việc lây nhiễm.

Các nghiên cứu của Anh phát hiện, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn Alpha khoảng 60%. Khoảng một nửa số người trưởng thành bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát biến thể Delta gần đây ở Israel là những người đã tiêm vắc xin Pfizer.

Tại Anh, nơi phần lớn dân số đã được tiêm phòng và Uganda (chưa có nhiều người được tiêm vaccine ngừa Covid-19), biến thể Delta có mặt trong hầu hết các ca nhiễm mới. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Australia và nhiều khu vực tại châu Á.

Điều đáng mừng là, theo nghiên cứu về vắc xin của các công ty phương Tây, việc tiêm phòng làm giảm khả năng tử vong và tình trạng bệnh trở nặng ở những người nhiễm virus corona, dù nhiễm bất kỳ biến thể nào.

Khả năng lây truyền của biến thể Delta cùng với việc nới lỏng các hạn chế đã khiến số ca nhiễm ở Anh tăng trở lại. Tuy nhiên, nhờ tiêm chủng, số ca tử vong không tăng. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, tại Scotland, vắc xin AstraZeneca có hiệu quả tới 60% trong ngăn ngừa bệnh phát sinh từ nhiễm biến thể Delta, trong khi đó, vắc xin Pfizer có khả năng ngăn chặn tới 79%.

Vì thế, theo các nhà khoa học, để mang lại lợi ích sức khoẻ tối đa cho cộng đồng, cần tiêm phòng cho càng nhiều người càng tốt, tới mức virus không còn dễ lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, việc tiêm chủng trên khắp thế giới vẫn còn khoảng trống, tạo không gian cho virus hoành hành.

 

Mộc Mộc (Lược dịch)