Sức khỏe

Hoa Kỳ hỗ trợ giám sát, phát hiện các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam

Thứ bảy, 30/3/2024 | 15:53 GMT+7
Tại Đà Nẵng, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa phối hợp cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo tổng kết, chia sẻ kết quả từ dự án Giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm.

Dự án được thực hiện từ năm 2000, nhằm cải thiện hệ thống chẩn đoán, giám sát các bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh truyền nhiễm mới nổi nói riêng. Các bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang là mối đe dọa lớn đối với an ninh y tế toàn cầu. Do vậy, việc bảo đảm tính hiệu quả và ổn định của các hệ thống xét nghiệm chẩn đoán, giám sát bệnh truyền nhiễm ở mỗi quốc gia đóng vai trò thiết yếu trong việc ứng phó trước các mối đe dọa này.

Dự án Giám sát và phát hiện các bệnh truyền nhiễm do USAID tài trợ là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự an ninh y tế toàn cầu - giúp tăng cường năng lực của các quốc gia với mục tiêu tạo dựng một thế giới an toàn, không có các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm, đồng thời thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu như một ưu tiên chung.

Được thực hiện tại 5 tỉnh Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Thái Nguyên, dự án đã hỗ trợ thử nghiệm các mô hình hiệu quả nhằm tăng cường khả năng của Việt Nam trong chẩn đoán phát hiện các bệnh ưu tiên và cải thiện chất lượng hoạt động của các hệ thống giám sát dựa trên thời gian thực, giúp ngăn chặn sự lây truyền của các tác nhân gây bệnh, phòng ngừa, giảm nhẹ quy mô của dịch bệnh, ứng phó kịp thời nhằm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong.

Hoa Kỳ hỗ trợ giám sát, phát hiện các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam

Theo Giám đốc Chương trình y tế của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam Randolph Augustin, USAID tự hào hỗ trợ Việt Nam tăng cường các năng lực y tế công cộng để phòng ngừa, phát hiện và ứng phó hiệu quả đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ biến thành đại dịch, cũng như các sự kiện y tế công cộng khác ở các cấp. Hy vọng các hoạt động do USAID hỗ trợ, thí dụ như mở rộng hoạt động của Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến Việt Nam và hệ thống chuyển mẫu bệnh phẩm do dự án giúp xây dựng sẽ được duy trì và nhân rộng sau khi dự án kết thúc.

Dự án phối hợp với các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đối tác khác xây dựng mô hình hệ thống chuyển mẫu bệnh phẩm tích hợp đầu tiên tại Việt Nam để chuyển gửi bệnh phẩm chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm cho cả ngành y tế và thú y. Ngoài ra, dự án cũng đã chuẩn hóa các quy trình thực hành liên quan đến hoạt động chuyển gửi bệnh phẩm trong mô hình này nhằm tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh sinh học, giảm thời gian vận chuyển và bảo đảm chất lượng mẫu.

Để tăng cường việc sử dụng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến Việt Nam, dự án đã cùng các chuyên gia của Cục Thú y cải tiến giao diện các tính năng của hệ thống và phát triển ứng dụng di động để thuận tiện hơn cho việc báo cáo dịch bệnh động vật, đặc biệt là ở tuyến tỉnh và tuyến huyện. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ tăng cường giám sát các sự kiện có liên quan sức khỏe cộng đồng thông qua việc phát hiện và đáp ứng sớm với các dấu hiệu cảnh báo có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng (giám sát dựa vào sự kiện) như trường hợp có nhiều người mắc bệnh với cùng một triệu chứng tại một địa phương hay số lượng gia cầm chết tăng cao.

Kim Bảo (T/H)