Sức khỏe

Không để tình trạng người bệnh dồn về một số bệnh viện, gây quá tải cục bộ

Thứ tư, 6/1/2021 | 15:35 GMT+7
Ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Y tế toàn quốc.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm qua ngành y tế đã đạt hai chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội và Chính phủ giao trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đó là: số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 25 lên 28; 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Việt Nam vẫn giữ vững thành công duy trì 14 năm liên tiếp đạt mức sinh thay thế, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuổi thọ trung bình đạt 73,7 tuổi, tăng 0,1 tuổi so với năm 2019.

Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bước đầu triển khai có hiệu quả. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tầm vóc người dân được cải thiện, chiều cao trung bình của thanh niên nam đạt 168,1cm (tăng 3,7 cm so với năm 2009); nữ đạt 156,2cm (tăng 2,6cm so với năm 2009). Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Năng lực điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt; hầu hết các kỹ thuật cao trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, góp phần điều trị hiệu quả, cứu sống được nhiều người bệnh. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối nay đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện tỉnh, huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì trong giai đoạn 2016 – 2020, hầu như năm nào ngành y tế cũng có những thành tích nổi bật. Năm nay có những trường hợp đáng kể đến như: ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM; lần đầu tiên ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103; Bệnh viện Việt - Đức tiếp tục phá vỡ kỷ lục trong ghép tạng với 10 ngày thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng…

Việc tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine chống virus SARS-CoV-2 và đưa vào thử nghiệm lâm sàng hiện nay thể hiện năng lực nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và cả sự nhanh nhạy của người công tác trong lĩnh vực y học, cũng như sự khát khao, niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử này.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng chỉ ra tình trạng quá tải ở một số bệnh viện Trung ương và tuyến cuối, vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh. Từ đó đề nghị ngành y tế phải biến nguy cơ thành thời cơ để tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện trong thời gian tới.

Theo đó, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế về thực hiện thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, ngành y tế và chính quyền các địa phương phải chủ động nâng cao chất lượng, không để tình trạng người bệnh dồn về một số bệnh viện, gây quá tải cục bộ, dẫn đến giảm chất lượng điều trị và chăm sóc nhân dân.

Bộ Y tế phải công khai, minh bạch trong quản trị ngành, trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị vật tư; tập trung hoàn thành cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt - Đức, không được để chậm trễ lâu hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề ra nhiệm vụ giảm tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng ngành y tế

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, lãnh đạo bệnh viện và các nhân viên y tế phải không ngừng cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, lấy chất lượng và sự an toàn, sức khỏe của người bệnh, người dân là mục tiêu quan trọng nhất. Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm; trước mắt tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Phải thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, góp phần tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động khám, chữa bệnh, tiến tới bệnh án dùng chung cho các tuyến.

Mặt khác, Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế. Do đó, Bộ Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với thực hiện bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt mục tiêu hơn 95% vào năm 2025.

Chống tiêu cực, tham nhũng và đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đồng thời, phải khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngành y tế phải tiếp tục đổi mới, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm, phải có những giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, trạm y tế xã. Đặc biệt phải tiếp tục hoàn thành gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế công cộng, y tế dự phòng, tạo động lực cho hoạt động y tế cơ sở; sớm hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế vùng khó khăn trình Chính phủ phê duyệt.

Thanh Bảo