Nông nghiệp sạch

Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao

Thứ sáu, 25/10/2024 | 17:20 GMT+7
Ngày 25/10, tại Hậu Giang, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức hội thảo Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai 28.000ha diện tích đất thực hiện đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao), tập trung vào củng cố diện tích đã có của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Đến năm 2030, tỉnh sẽ tăng diện tích đất trồng lúa thuộc đề án lên 46.000ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.

Đến thời điểm hiện tại, Hậu Giang đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, rà soát đáp ứng tiêu chí và đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Triển khai thực hiện mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180ha, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến như tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP...

Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao

Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hậu Giang chia sẻ, mặc dù đề án chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình thuộc đề án giúp người nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân, người tiêu dùng và môi trường.

Việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, đồng bộ, tiếp tục xây dựng các cánh đồng lớn, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác hay tổ chức của nông dân.

Theo ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện vùng đồng bằng sông Cửu Long có 3 kênh tiêu thụ lúa chủ yếu, gồm nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu; nông dân bán lúa qua hợp tác xã để phân phối lại cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hoặc qua thương lái; nông dân bán qua thương lái và phân phối lại cho các đối tượng khác.

Hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp là việc thỏa thuận tự nguyện cùng đầu tư sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, phát thải thấp của các bên tham gia liên kết; được tổ chức theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Từ đó giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Mô hình liên kết cần khuyến khích giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác; không khuyến khích hình thức mua bán kém bền vững. Cần khuyến khích liên kết từ khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường góp phần ổn định, nâng cao giá bán, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, mang lại lợi ích cho nông dân, hạn chế phá vỡ hợp đồng.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc liên kết theo chuỗi ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp nhằm gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân thông qua việc gia tăng các giá trị trong sản xuất. Đồng thời góp phần tăng cường việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ giúp tăng hiệu suất sử dụng phân bón, bao gồm sạ hàng hoặc cụm kết hợp vùi phân; khuyến cáo việc tuân thủ quy trình bón phân - tránh việc bón thừa, bón sai, bón không đúng nhu cầu cây trồng…

Xu hướng phát triển sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, truy xuất nguồn gốc... nên vấn đề liên kết chuỗi giá trị được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhằm tăng liên kết chuỗi lúa gạo, thời gian tới khu vực cần tăng quy mô diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện liên kết nhiều hơn; việc liên kết cần bền vững, đúng hợp đồng, tránh đứt gãy hợp đồng.

Doanh nghiệp tham gia đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần ký kết hợp đồng liên kết với hợp tác xã để đào tạo tập huấn, chuyển giao cho nông dân trồng lúa biện pháp canh tác bền vững. Việc xây dựng chuỗi liên kết bền chặt và ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Lam An (T/H)