Văn hóa, du lịch

Liên kết phát triển du lịch bền vững các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 11/12/2023 | 10:47 GMT+7
UBND tỉnh Cà Mau và UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức hội nghị Tổng kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Nâng tầm liên kết - Phát triển bền vững”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, liên kết vùng để tạo đột phá, phát triển du lịch là xu thế tất yếu, tạo ra không gian để quảng bá, đầu tư, phát triển du lịch, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc.

Tại Cà Mau, nhờ đẩy mạnh gắn kết, liên kết vùng và các tour, tuyến lữ hành mà trong năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 2 triệu lượt, vượt 13,5% so với kế hoạch, tăng 18% so với năm 2022. Tổng doanh thu về du lịch hơn 2.900 tỷ đồng, vượt 8,6% kế hoạch và tăng 20% so với cùng kỳ.

 Hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tại hội nghị, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh thông tin, chương trình liên kết phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2030 là chương trình liên kết hợp tác đầu tiên về du lịch được triển khai trên phạm vi rộng với sự liên kết của 14 tỉnh, thành phố, tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều vùng liên kết khác trên phạm vi cả nước. Sự liên kết này đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; tập trung vào 5 nội dung trọng tâm: quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá và xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Nhờ đó, trong năm 2023 có hơn 2,7 triệu lượt khách sử dụng chương trình du lịch chuỗi liên kết về khu vực đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn, thưởng thức ẩm thực Nam Bộ.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình liên kết, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long còn chủ trì, tổ chức được 7 chương trình khảo sát du lịch (famtrip), kết nối khoảng 600 doanh nghiệp du lịch lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh với các đơn vị cung ứng du lịch tại Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang… Xây dựng được một thương hiệu lớn để quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường khách nội địa và quốc tế. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau được xác định là cửa ngõ để hút thị trường khách từ các tỉnh, thành phố đến và trao đổi nguồn khách giữa các địa phương theo hướng bền vững.

Dựa trên những kết quả đã đạt được đó, tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình liên kết; góp ý về nội dung, hình thức liên kết phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị liên quan để tăng sức hút cho chương trình, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, liên kết hợp tác là nội dung trọng tâm, quan trọng để phát triển du lịch của vùng. Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cần bao gồm người quản lý du lịch, cá nhân làm du lịch và tổ chức làm du lịch. Về vấn đề khai thác tài nguyên du lịch, ông Phan Khắc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đề xuất, các địa phương cần nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, có đặc thù riêng để tạo thương hiệu; muốn phát triển sản phẩm du lịch thì phải quy hoạch, đầu tư khai thác tài nguyên hợp lý, quan tâm kêu gọi nhà đầu tư chiến lược phát triển hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch...

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng thống nhất triển khai chương trình liên kết phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.

Ngọc Mai (T/H)