Sức khỏe

Một số loại rau, gia vị hỗ trợ điều trị cúm tại nhà

Thứ ba, 11/2/2025 | 08:00 GMT+7
Một số loại rau, gia vị như: tỏi, gừng, kinh giới, tía tô, húng chanh hỗ trợ điều trị bệnh cúm tại nhà hiệu quả.

Tỏi

Tỏi vừa làm gia vị vừa được dùng làm thuốc nam khá phổ biến. Tỏi có công dụng chữa nhiều bệnh như cảm cúm, ho gà, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, đau thần kinh tọa, tẩy giun kim. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu của nước ngoài cho thấy tỏi có tác dụng ngăn ngừa ung thư, virus cúm.

Trong tỏi có một ít iốt và tinh dầu (100 kg tỏi chứa khoảng 60 - 200 g tinh dầu). Thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin, một hợp chất sunfua có tác dụng diệt khuẩn mạnh.

Thêm tỏi vào thức ăn vừa có thể tăng thêm hương vị vừa giúp món ăn của bạn có thể chống lại các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm hiệu quả hơn.

Gừng

Chất gia vị đứng đầu các chất dùng làm thức ăn có tính “nhiệt”, có thể dùng để trung hòa hàn nhiệt, giải độc, giải cảm. Trong củ gừng có tinh dầu (chủ yếu là alpha - camphen, beta - phellandren), chất nhựa dầu, chất béo, tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola. Vị cay có trong gừng do hoạt chất zingeron.

Gừng có những tác dụng dược lý như hạ nhiệt (shogaol và gingerol làm giảm sốt trên chuột thực nghiệm), giảm đau và giảm ho, chống nông, chống viêm, kích thích sự vận chuyển trong đường tiêu hóa.

Trong y học cổ truyền, gừng tươi (sinh khương) có vị cay, tính hơi ôn, tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng, bụng đầy trướng, nôn mửa. Gừng khô (can khương) vị cay tính ôn, bào khương (can khương bào chế rồi) vị cay đắng tính đại nhiệt, có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch, dùng chữa thổ tả, bụng đau, chân tay lạnh, mạch nhỏ (dùng khi bị lành mà đau bụng, đi tiêu lỏng, mệt lả, nôn mửa).

Gừng là một vị thuốc giúp sự tiêu hóa, dùng trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn mửa đi tiêu, cảm mạo phong hàn làm thuốc ra mồ hôi, chữa ho mất tiếng.

Kinh giới

Kinh giới chứa nhiều tinh dầu và các hoạt chất chống oxy hóa và chống viêm. Lá có mùi thơm dễ chịu, vị cay nồng chứa 1% tinh dầu. Hoa làm ra mồ hôi mạnh hơn lá. Toàn cây có thể dùng tươi hoặc sao đen, sao cháy để đạt mục đích điều trị.

Theo y học hiện đại, khoa học ghi nhận kinh giới có tác dụng hạ sốt, chống viêm, giảm đau và an thần khi dùng lượng vừa đủ; giúp loại bỏ gốc tự do, tham gia vào quá trình chống oxy hóa bằng các phenol trong tinh dầu thảo dược. Tinh dầu với phương pháp khuếch tán có tác dụng ức chế của một số virus.

Theo y học cổ truyền, kinh giới vị cay, tính ôn, tác dụng phát biểu khứ phong, lợi yết hầu, thanh nhiệt tán ứ phá kết; dùng chữa ngoại cảm phát sốt (giải cảm hàn), làm ra mồ hôi, ôn ấm dạ dày và hệ tiêu hóa.

Tía tô

Trong toàn cây tía tô có chứa 0,5% tinh dầu (chủ yếu là perilla andehyde, limonene, α-pinen và dihydrocumin). Ngoài ra, trong cây chứa nhiều flavonoid (chủ yếu là apigenin và luteolin) và acid hữu cơ (acid rosmarinic, acid caffeic...) với hàm lượng khác nhau giữa các bộ phận của cây.

Theo y học cổ truyền, tía tô có vị cay, tính ôn; có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai. Tía tô được dùng chữa ngoại cảm phong hàn, nôn mửa, động thai.

Húng chanh

Húng chanh còn có tên là rau tần, tần dày lá, rau thơm lông... Trong húng chanh có colein, tinh dầu mùi thơm nhẹ (chủ yếu là cacvacrola và thymol), còn có các thành phần hóa học khác gồm axit phenolic, flavonoid, monoterpene hydrocarbons, este...

Húng chanh có vị cay, hơi chua, tính ấm, trừ đờm, giải cảm, thanh nhiệt, tiêu độc. Loại rau gia vị này được dùng để trị cảm cúm, ho hen, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, viêm họng, cảm cúm, khản tiếng.

Nhã Quyên (t/h)