Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, dịp này, tại thành phố Đồng Hới sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong Tuần lễ văn hóa thành phố Đồng Hới, từ ngày 26/4 đến 2/5. Trong Tuần lễ, một số hoạt động nổi bật sẽ diễn ra như: triển lãm ảnh “Đồng Hới xưa và nay”; lễ hội Đua thuyền trên sông Nhật Lệ; Liên hoan Giai điệu thành phố Hoa Hồng; lễ hội Múa bông chèo cạn; lễ hội Cù truyền thống, hoạt động âm nhạc đường phố…
Đáng chú ý, lễ hội Đua thuyền trên sông Nhật Lệ mới đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của quê hương Quảng Bình và thúc đẩy phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trong các tầng lớp nhân dân.
Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống đặc sắc thu hút du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Trong dịp quốc lễ, tại trung tâm Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) sẽ có các hoạt động như: lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Son; hội thi Cá Trắm sông Son và một số hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực nhằm phục vụ du khách. Các hoạt động của lễ hội dự kiến diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 03/5.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết, các lễ hội là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sức khỏe, phát huy sức mạnh đoàn kết cộng đồng, vươn lên chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống. Đồng thời, đây cũng là dịp để tỉnh thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, làm điểm nhấn về du lịch trên địa bàn.
Trước đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức hội thảo “Du lịch Quảng Bình: Thích ứng mới, vận hội mới”. Hội thảo đã gợi mở thêm nhiều giải pháp để du lịch Quảng Bình thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn trong tình hình mới; tận dụng các tiềm năng, lợi thế, cơ hội đưa ngành du lịch phát triển bền vững trong thời gian tới như: tăng cường liên kết với các địa phương lân cận để phát triển du lịch; xác định sản phẩm du lịch trọng điểm của du lịch Quảng Bình; ưu tiên đầu tư về hạ tầng du lịch, hoạt động du lịch về đêm, phố đi bộ gắn với hoạt động giải trí, trung tâm mua sắm, khách sạn, nhà hàng đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu lớn cho nguồn khách có khả năng chi tiêu cao; quan tâm tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực của địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo đủ lao động, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong bối cảnh phát triển mới…