Nông nghiệp sạch

Phát triển nông sản sinh khối trong nông nghiệp chăn nuôi

Thứ ba, 19/7/2022 | 14:38 GMT+7
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang tập trung chọn tạo các giống ngô có khả năng chịu hạn, năng suất cao, trong đó chú trọng nghiên cứu giống ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc.

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện đã chọn tạo được khoảng 180 giống ngô các loại, trong có có 69 giống phục vụ chính thức. Trong đó đã tạo ra được các giống ngô chín sớm, giống ngô ngắn ngày, dài ngày để phù hợp với từng điều kiện sản xuất và mục đích sản xuất khác nhau.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đang chú trọng nghiên cứu giống ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, có một số giống ngô sinh khối được lựa chọn để sản xuất cho năng suất sinh khối từ 53 - 76 tấn/ha, riêng tại các vùng trồng thâm canh với mật độ cao có thể đạt tới 80 - 83 tấn/ha.

Viện chỉ ra rằng, sản xuất ngô trong nước có một lợi thế so với sản phẩm nhập khẩu, đó là ngoài hạt ngô, các phụ phẩm như thân, lá, lõi ngô cũng có thể được sử dụng. Những phụ phẩm này có thành phần dinh dưỡng tương đối cao, có thể sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi.

Sản xuất ngô sinh khối đem lại giá trị cao, năng suất tốt

Theo bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, phát triển ngô sinh khối tăng giá trị sản xuất vụ đông, tăng hệ số sử dụng đất, không để đất hoang. Trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch ngắn. Ngô là cây ưa ẩm, tưới nước theo đợt không tốn nước như trồng lúa. Mặt khác, trồng ngô sinh khối có thời gian canh tác trên ruộng ngắn hơn, ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên hiện nay, nông dân chủ yếu để lại thân, lá ngoài đồng để làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho đất; lõi ngô để làm chất đốt, chứ chưa sử dụng là thức ăn chăn nuôi.

Đối với cây đậu tương, sản lượng của loại cây này còn rất nhỏ. Chủ yếu được trồng tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, năng suất đến nay mới chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha.

Thời gian qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống năng suất cao. Về thời gian sinh trưởng, đa số giống đậu tương được trồng ở Việt Nam là cây ngắn ngày nên năng suất thấp hơn so với thế giới.

Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 Việt Nam nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn đậu tương hạt. Tuy nhiên, đậu tương hạt chủ yếu được dùng để chế biến thực phẩm và ép dầu. Bởi, chỉ tính riêng một nhà máy ép dầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công suất 2 triệu tấn/năm. Còn khô dầu mới được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Như vậy, với điều kiện sản xuất của các tỉnh phía Bắc, thời gian sinh trưởng cây đậu tương ngắn ngày rất phù hợp để trồng trong vụ đông, qua đó đáp ứng được một phần lượng đậu tương phục vụ chăn nuôi và chế biến thực phẩm. Tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu áp dụng được cơ giới hóa thì chắc chắn sẽ phát triển được mô hình trồng xen 1 vụ đậu tương và 2 vụ lúa, nâng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Trung tâm đã triển khai nhiều nội dung nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất các loại nông sản sinh khối như: tổ chức hội nghị cùng với các địa phương và các doanh nghiệp bàn giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ; in và phát hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trên địa phương.

Tổ chức diễn đàn, tọa đàm giải đáp những vướng mắc, giúp nông dân phát triển sản xuất; hướng dẫn hệ thống khuyến nông địa phương liên kết nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Lâm Bảo