Nông nghiệp sạch

Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL

Thứ ba, 12/7/2022 | 16:13 GMT+7
Ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại thành phố Cần Thơ.

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL được thành lập với 5 nhiệm vụ trọng tâm. Bao gồm: khai thông các luồng vận tải hàng hóa (đường thủy, bộ, hàng không và biển); thông quan bằng việc xây dựng theo mô hình cảng cạn kiểm hóa hiện đại ICD Cần Thơ, các kho ngoại quan, khu phi thuế quan; xử lý và bảo quản nông sản thông qua các giải pháp bảo quản an toàn, xây dựng và bố trí các kho lạnh; thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL; quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL.

Trung tâm nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL lên tầm cao mới, hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp phát triển, hiện đại, xuyên suốt từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu, với thành phố Cần Thơ là trung tâm động lực.

Cụ thể, đến năm 2025 sẽ hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”. Trong đó, hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu; thu hút các nhà đầu tư nắm giữ công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến sâu cho nông thủy sản chủ yếu của vùng. Xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản tiên tiến trên ứng dụng công nghệ số; hình thành những phân khu hạt nhân của Trung tâm (sản xuất, chế biến sâu, tiêu thụ và xuất khẩu, sàn giao dịch, đấu giá nông sản và khu phi thuế quan).

Sản xuất, chế biến, quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL

Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL, thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL với vai trò dẫn dắt, kết nối các trung tâm đầu mối khác của vùng. Hoàn chỉnh tất cả các phân khu chức năng của Trung tâm trên diện tích mở rộng theo quy hoạch.

Tầm nhìn đến năm 2050, Trung tâm trở thành hạt nhân của đô thị sân bay với công nghệ thông minh, đầu mối của chuỗi các “Trung tâm sản xuất, chế biến, tiêu thụ thông minh” toàn vùng vận hành theo nguyên lý thông minh trình độ cao.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần cân nhắc việc đặt Trung tâm gần cảng biển để thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản. Chủ yếu nông sản đều đi đường biển vì đi đường hàng không chi phí rất cao, dẫn đến lợi nhuận của người nông dân bị giảm đi.

Đặc biệt, Trung tâm cần được xây dựng theo đúng chức năng, nhiệm vụ, cần xoay quanh những vấn đề nông sản mang tính chất theo mùa vụ của ngành nông nghiệp như vùng nguyên liệu, logistics, kết nối, chất lượng nông sản, hàng hóa…

Theo dự thảo của Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, Trung tâm sẽ liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong vùng, thu hút các nhà đầu tư nắm giữ các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, sản xuất những công cụ, phương tiện, vật tư, thiết bị có hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số ở ĐBSCL để cung cấp và chuyển giao công nghệ, quy trình cho các cơ sở sản xuất trong toàn vùng.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, vị trí của Trung tâm dự kiến sẽ được đặt gần cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, gần trục đường vành đai phía Tây, cách cảng biển khoảng 4km. Thời gian tới, gần vị trí của Trung tâm sẽ có đường cao tốc. Với những kết nối về mặt giao thông, vận tải, vị trí của Trung tâm sẽ thuận lợi cho cả đường hàng không, đường bộ và đường thủy.

Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho biết thêm, mô hình hoạt động của Trung tâm sẽ tương tự mô hình quản lý một khu công nghiệp, còn chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm vẫn xoay quanh những hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Thanh Tâm (t/h)