Nông nghiệp sạch

Quảng Ninh phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Thứ ba, 12/7/2022 | 15:37 GMT+7
Quảng Ninh đã và đang phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương khi phát triển bền vững sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 502 sản phẩm, dẫn đầu cả nước.

Quảng Ninh có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Từ lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Với quan điểm OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phương châm phát triển bền vững, thực chất các sản phẩm OCOP. Trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng lợi thế và cả nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương.

Phát triển bền vững, kết nối thị trường các sản phẩm OCOP Quảng Ninh

Đáng chú ý, thị xã Đông Triều được biết đến là một điểm sáng trong thực hiện chương trình OCOP. Thị xã chú trọng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP…

Đồng thời, tập trung hỗ trợ kết nối thương mại cho sản phẩm để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và từng bước nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Đến nay, thị xã Đông Triều đã phát triển được 40 sản phẩm OCOP của 18 tổ chức kinh tế tham gia. Trong đó có 30 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao và đã được cấp mã số, mã vạch.

Bên cạnh sử dụng thương mại điện tử trong giao thương, tỉnh Quảng Ninh còn tăng cường ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.

Cụ thể, các Sở, ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng dụng phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, website OCOP, kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh…

Tỉnh cũng cùng các Sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước. Từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh đã gắn liền với các sàn giao dịch thương mại điện tử, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.

Minh Khang (T/H)