Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Chương trình FFF II cho biết, Việt Nam đang cùng các quốc gia, cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về BĐKH, Thập kỷ của Liên Hợp Quốc về khôi phục hệ sinh thái, Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học… với mục tiêu liên kết, hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, nỗ lực cùng hành động nhằm xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất, bảo đảm cho mọi người có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng.
Để thực hiện các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH, Hội Nông dân Việt Nam ở các cấp đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, viện khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp và các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, dự án giúp hội viên nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kết hợp trồng rừng, quản lý và phát triển rừng, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH; đồng thời giúp nông dân thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng và trang trại, tăng thu nhập và sinh kế bền vững cho các thành viên và cộng đồng sống dựa vào rừng.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/5/22/nong-nghiep-duoi-tan-rung-20240522150911216.jpg)
Phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kết hợp trồng rừng, quản lý và phát triển rừng, nông lâm kết hợp
Chương trình FFF đang được thực hiện tại các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh rừng, trang trại, tiếp cận thị trường và tài chính cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, áp dụng các biện pháp giảm thiểu, thích ứng với BĐKH, tiếp cận các dịch vụ các giá trị văn hóa bản địa.
Tính đến nay, chương trình đang hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ thành viên chính thức (41,5% nữ, 61,5% người dân tộc, 11,7% thanh niên) và gần 2.000 hộ thành viên liên kết, hơn 15.000 nông dân sản xuất nông lâm nghiệp và cán bộ Hội Nông dân Việt Nam; 15 chuỗi sản phẩm được kết nối thị trường, doanh nghiệp; hơn 600ha chuyển hóa rừng gỗ lớn và trồng rừng gỗ lớn; hơn 13.000ha gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hơn 4.000ha sản phẩm quế, hồi, thảo dược, bí xanh thơm, gạo, rau quả, cam, bưởi, gừng… đã được chứng nhận hữu cơ và đủ tiêu chuẩn xuât khẩu.
Bà Sophie Grouwels, điều phối viên khu vực Chương trình FFF, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) mong muốn Việt Nam tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả từ các địa phương để đạt được mục tiêu mà Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực góp ý, cần phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, loài cây phù hợp với điều kiện sinh thái của các địa phương để phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, nâng cao năng suất chất lượng rừng gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; cung cấp nguyên liệu hợp pháp có chất lượng cho chế biến, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Sử dụng hiệu quả kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn theo các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp, đất đai, tín dụng, thuế, thị trường, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Liên quan tới phát triển rừng trồng gỗ lớn theo chuỗi giá trị, ông Triệu Văn Lực đề xuất, đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp cần trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ quốc tế, quản lý rừng bền vững, đầu tư vào chế biến sâu, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi phù hợp, cần được tiếp tục duy trì; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, tăng cường liên kết trong và ngoài tổ chức, quản lý tài chính minh bạch, có kế hoạch quản trị rủi ro, có giám sát, đánh giá để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư vào quảng bá, kết nối thị trường, tận dụng các cơ hội thị trường mới; chủ động trong vận động chính sách để huy động nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và quốc tế.