Sức khỏe

Rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho các đại dịch tiếp theo có thể xảy ra

Thứ hai, 30/10/2023 | 16:20 GMT+7
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 3 năm phòng, chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo tại hội nghị, ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tính đến thời điểm này thế giới ghi nhận hơn 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 6,9 triệu trường hợp tử vong.

Tại nước ta, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 3 năm phòng, chống dịch Covid-19

Tại hội nghị, thay mặt WHO, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Angela Pratt đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành Việt Nam, các đối tác trong phòng, chống dịch; đồng thời nêu rõ chúng ta chưa thể yên tâm hoàn toàn vì virus vẫn có nguy cơ lây lan, biến chủng, số ca nhiễm có thể tăng trở lại. Việc Việt Nam ứng phó quyết liệt, hiệu quả trong giai đoạn vừa qua cũng là bài học kinh nghiệm quý giá để chuẩn bị cho các đại dịch tiếp theo có thể xảy ra.

Trưởng đại diện WHO khuyến nghị, dịch Covid-19 cho thấy sự mong manh, tình trạng bất bình đẳng về thuốc, vaccine toàn cầu, khiến các quốc gia như Việt Nam dễ tổn thương, do đó cần có giải pháp bảo đảm nguồn cung vaccine, thuốc trong nước, thông qua hợp tác, chuyển giao công nghệ; phải tăng cường khả năng phát hiện dịch bệnh, toàn cầu; bảo đảm hệ thống giám sát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, giải trình tự bộ gene virus; tích hợp tiêm ngừa Covid-19 vào hệ thống tiêm chủng định kỳ phù hợp khuyến nghị của chuyên gia; tăng cường trao đổi thông tin với cộng đồng quốc tế, trang bị cho mọi người dân kiến thức bảo vệ trước dịch bệnh; xây dựng và mở rộng hệ thống dịch vụ y tế hiệu quả; duy trì sự hoạt động và chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, bảo đảm áp dụng tốt các bài học kinh nghiệm và nâng cao năng lực ứng phó trong tương lai.

Bà Angela Pratt khẳng định WHO luôn đồng hành cùng Việt Nam trong các lĩnh vực, hỗ trợ Việt Nam rà soát, cập nhật kế hoạch quốc gia phòng chống đại dịch, hợp tác vì một Việt Nam an toàn, khỏe mạnh hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan nỗ lực tiếp thu ý kiến của đại biểu, tổng kết công tác phòng, chống dịch để có tài liệu bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, trên cơ sở đó có kiến thức, kinh nghiệm, khả năng thích ứng linh hoạt với những tình hình có thể xảy ra tới đây.

Đề cập phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta luôn phải bình tĩnh, không hoảng hốt trước những diễn biến phức tạp và cũng không chủ quan mà phải cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở về các đại dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành, tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống.

Bộ Y tế tập trung rà soát, đánh giá, sớm hoàn thành các quy định, cơ chế về y tế cơ sở, y tế dự phòng; mua sắm, đấu thầu thuốc, vaccine, thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất; triển khai Luật Khám, chữa bệnh; tập trung đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở đủ năng lực ứng phó tình hình; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế phòng, chống dịch; thực hiện chế độ, chính sách bảo đảm cho các lực lượng tuyến đầu khi có đại dịch tương tự xuất hiện. Tăng cường quản lý hành chính, giải quyết bài toán công nghệ; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đoàn kết, giải quyết, khắc phục hậu quả Covid-19, nhất là các đối tượng như trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để các cháu không bị tổn thương, bị thiếu thốn về vật chất; cấp ủy, chính quyền phải rà soát, nắm chắc vấn đề này.

Tiếp tục hoàn thành xử lý vấn đề tồn đọng liên quan đến công tác phòng, chống dịch thời gian qua; xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; tránh không để xảy ra sai sót, tiêu cực…

Thanh Bảo (T/H)