Tăng cường hành động thích ứng trước tình trạng nước biển dâng

Thứ năm, 26/9/2024 | 16:39 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về “Giải quyết các thách thức tồn vong do tình trạng nước biển dâng”, đại diện Việt Nam và Pháp đã đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề về “Tăng cường thích ứng, tài chính và khả năng chống chịu trước các thách thức liên quan đến nước biển dâng".

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung, thúc đẩy hợp tác, phối hợp liên ngành và đa lĩnh vực giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế và các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp giảm tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất nhận định, nước biển dâng là một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia, nhất là các nước đảo nhỏ. Nước biển dâng cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới về pháp lý cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nhiều quốc gia. Đại diện các nước cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những biện pháp ứng phó với nước biển dâng. Trong đó nhiều ý kiến tập trung vào sự cần thiết của việc huy động nguồn tài chính đa dạng; tận dụng thành tựu khoa học công nghệ trong hỗ trợ nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với nước biển dâng cho cộng đồng ven biển.

Tăng cường hành động thích ứng trước tình trạng nước biển dâng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chia sẻ về những hậu quả nghiêm trọng của cơn bão Yagi vừa qua đối với Việt Nam, cũng như nguy cơ nước biển dâng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng nhấn mạnh, các quốc gia cần xây dựng chiến lược toàn diện, lâu dài với những giải pháp mang tính nền tảng, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để bảo vệ các cộng đồng ven biển, có biện pháp sáng tạo để ứng phó trong tình huống khẩn cấp; nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng địa phương theo hướng bền vững, gắn liền và hài hòa với thiên nhiên.

Đối với các nước đang phát triển, nước đảo nhỏ, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các bên liên quan tiếp tục quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức nâng cao hiệu quả về huy động nguồn tài chính cho thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Chú trọng xác định cơ chế huy động nguồn lực, quan hệ đối tác phù hợp để hỗ trợ dự án thích ứng với quy mô rộng, ứng dụng phát triển công nghệ để đáp ứng, hỗ trợ những nhu cầu cụ thể, thiết thực của cộng đồng địa phương trong ứng phó với vấn đề nước biển dâng.

Hội nghị cấp cao về “Giải quyết các thách thức tồn vong do tình trạng nước biển dâng” được tổ chức theo Nghị quyết số 78/319 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm thu hút sự chú ý, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chung toàn cầu về ứng phó với tác động của nước biển dâng.

Tại hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, khoảng 900 triệu người đang sinh sống tại các vùng ven biển thấp. Mực nước biển dâng đồng nghĩa với thủy triều dâng cao, gây ra nguy cơ ngày càng tăng của các đợt sóng bão dữ dội, xói mòn bờ biển và lũ lụt ven biển.

Vì vậy, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng như cộng đồng bị nhấn chìm, nguồn nước ngọt bị ô nhiễm, mùa màng và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đa dạng sinh học suy giảm và nền kinh tế bị tàn phá. Các ngành như ngư nghiệp, nông nghiệp và du lịch sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.

Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi các bên cần có ý chí chính trị mạnh mẽ hơn để sớm có hành động cụ thể ngăn chặn tình trạng khí hậu trở thành "địa ngục trần gian".

Gia Bách (T/H)