Tăng tốc thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp

Thứ ba, 27/2/2024 | 17:36 GMT+7
Ngày 27/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội thảo Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt: kinh tế, an sinh xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp trong công tác bảo vệ và phát triển rừng và tổ chức, phát triển sản xuất lâm nghiệp đều được triển khai toàn diện, đồng bộ.

Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260.000ha rừng.

Năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng cao, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tục tăng, đạt bình quân 15,8 tỷ USD/năm, tỷ lệ xuất siêu cao.

Tập trung phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam

Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Năm 2023, đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.

Về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.

Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì đạt 42,02%; tăng cường quản lý chặt chẽ và dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên; công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường; góp phần thực hiện các cam kết toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu khác về phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, hội thảo diễn ra trong thời điểm toàn ngành lâm nghiệp đang tăng tốc thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và phân tích những thách thức, tác động của hệ thống pháp luật, quy định cũng như các rào cản, cam kết quốc tế mới ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược. Trên cơ sở đó, chủ động đề xuất những giải pháp, khuyến nghị để hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chiến lược trong giai đoạn mới.

Bảo An (T/H)