Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; lãnh đạo, đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắc Lắk, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai), cùng các sở, ngành 5 tỉnh…
Tại Hội nghị, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên (Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 11/7/2023). Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch thường trực và các Phó Chủ tịch, các ủy viên.
Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng điều phối Trần Lưu Quang chủ trì và kết luận Hội nghị
Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên Trần Lưu Quang cũng đã ban hành Quyết định số 47/QĐ-HĐĐPTN ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên. Bao gồm 07 phương thức điều phối về: (1) Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; (2) Đầu tư phát triển; (3) Đào tạo và sử dụng lao động; (4) Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển vùng; (5) Giải quyết vấn đề liên kết vùng; (6) Kế hoạch điều phối liên kết vùng; (7) Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.
Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu
Đồng thời, điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong Vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông-Vận tải, Ủy ban Dân tộc, Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ban, ngành khác đã nêu nhiều nội dung nhằm thảo luận về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.
Các tỉnh vùng Tây Nguyên, GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng. Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Chưa địa phương nào trong vùng Tây Nguyên tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp, giảm nghèo chưa bền vững…
Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là, từng bước xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đủ mạnh, hiệu quả và khả thi. Trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu như: thu hút đầu tư, huy động hiệu quả nguồn lực; kinh tế rừng và bảo vệ tài nguyên rừng; quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp; phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa; phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Để Tây Nguyên bứt phá, phát triển, nhiệm vụ đầu tiên là kết nối giao thông nội bộ 5 tỉnh trong khu vực và các vùng lân cận, như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung. Nguyên tắc là phối hợp giữa 5 tỉnh, và trong bối cảnh hiện này cần có sự huy động vốn của Trung ương, địa phương cùng nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phối hợp, cùng xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước vào các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương. Tây Nguyên cố gắng phát triển nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương, nghĩa là phát huy hiệu quả của tính liên kết vùng.
Cùng với đó, luôn luôn lưu ý và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo sinh kế cho người dân và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tỉnh, trong đó có lồng ghép nội dung chống biến đổi khí hậu. Các địa phương cũng cần quan tâm đến tính cạnh tranh lành mạnh để cùng nổ lực phấn đấu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nêu những kiến nghị của địa phương
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng cho biết sắp tới sẽ tháo gỡ những vướng mắc liên quan công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng; do đó, sẽ sửa Luật Lâm nghiệp theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương; quản lý chặt chẽ thực trạng rừng; tăng mức khoán bảo vệ rừng.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho chuyển đổi số. Mặt khác, các địa phương Tây Nguyên chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị thảo luận về cơ chế choa vùng, dự kiến diễn ra trong tháng 10/2023.